Kính thưa luật sư! Trong hoạt động cho vay của ngân hàng, thường là hợp đồng tín dụng kèm hợp đồng bảo đảm tiền vay (hợp đồng thế chấp tài sản) hai loại hợp đồng được lập riêng biệt. Khi người vay không trả được nợ (vi phạm hợp đồng tín dụng) ngân hàng khởi kiện ra tòa , nhưng trong đơn khởi kiện và lời khai của ngân hàng chỉ yêu cầu tòa án xem xét phần hợp đồng tín dụng trước, tức yêu cầu người vay phải trả nợ ngân hàng, về phần xử lí tài sản bảo đảm sẽ khởi kiện sau. Về phía tòa án họ vẫn thụ lí. Như vậy xin luật sư cho biết ngân khởi kiện như vậy đúng hay sai, hợp đồng tín dụng có phải là hợp đồng chính, hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ, nếu như vậy ngân hàng tách ra thưa thành 2 vụ kiện có đúng pháp luật không. Sau khi đã quyết định của bản án thì ngân hàng có tiếp tục khởi kiện hợp đồng phụ (hợp đồng thế chấp) được không. Hợp đồng tín dụng được kí kết với bên vay là hộ gia đình mục đích vay vốn là mua sà lan vận chuyển hàng hóa (hộ vay có giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa đường thủy), như vậy hợp đồng tín dụng này có phải là hợp đồng kinh tế được điều chỉnh bởi luật thương mại, luật tổ chức tín dụng, luật ngân hàng, bộ luật dân sự 2005 phải không. Trong trường hợp có quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, bên vay vốn không tự nguyện trả nợ ngân hàng, thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên tài sản của người vay vốn để bảo đảm thi hành án bằng cách bán tài sản đã thế chấp cho ngân hàng, mặc dù ngân hàng chưa khởi kiện về tài sản. Rất mong sự tư vấn của luật sư, chân thành cảm ơn!