Tội tiêu thụ tài sản ăn cắp và vấn đề bảo lãnh.

Cháu chào luật sư. Cháu có 1 người bạn, năm nay 19 tuổi, đang là sinh viên. Cách đây 1 tháng bạn của cháu đã mua 1 chiếc xe không giấy tờ trị giá 40 triệu đồng, ngay sau đó, người anh họ của bạn cháu nhờ bạn ấy mua giúp anh ấy 1 chiếc xe nữa trị giá tầm 20 triệu đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tạm giam bạn của cháu đã được khoảng 1 tháng. Và mọi người bảo có thể bạn của cháu phạm vào điều 250BLHS. Luật sư cho cháu hỏi: - Với mức tài sản tầm 60-70 triệu như vậy, tội của bạn cháu sẽ bị phạt theo khung 1 hay khung 2 của điều 250 ạ? vì bạn ấy mua chiếc xe kia là mua giúp người anh và mua nhằm mục đích sử dụng chứ không phải đầu cơ buôn bán và cũng không nằm trong đường dây. Tổ chức bán xe gian đó cũng đã bị bắt rồi ạ. - Gia đình bạn ấy có viết đơn xin bảo lĩnh nhưng không được phép vì bạn ấy dân tỉnh khác, còn những người ở tpHCM thì được tại ngoại vì dễ quản lí hơn. Bạn ấy phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, đang là sinh viên. Vậy có cách nào khác giúp bạn ấy được bảo lĩnh không ạ? Mình có thể nộp tiền hay lấy tài sản ra để đảm bảo cho bạn ấy được tại ngoại không ạ. - Bạn của cháu sẽ bị tạm giam bao lâu ạ, 1 tháng trôi qua rồi vậy gia đình có thể làm đơn xin thăm phạm nhân chưa ạ? nếu được thì cháu là bạn của bạn ấy có được thăm bạn ấy không ạ? Cháu hỏi nhiều quá, cháu rất cảm ơn chú. Mong nhận được hồi âm từ chú sớm.
Chào bạn !

Theo như nôi dung bạn nêu, người bạn đó đã bị truy tố về tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tôi mà có " với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 15 năm tù tùy theo mức độ cụ thể ( với giá trị tài sản khoảng 60,70 triệu thì thuộc trường hợp có giá trị lớn ).

Tuy nhiên nếu tài sản đã được thu hồi, nhân thân người đó tốt và có nơi cư trú rõ ràng cộng với có người bảo lãnh thì có thể được các cơ quan tiến hành tố tụng cho tại ngoại. Bạn và gia đình cứ gởi đơn kèm các chứng từ liên quan ( xác nhận nơi cư trú, xác nhận của nhà trường, xác nhận nhân thân nơi thường trú v.v...) để yêu cầu xem xét giải quyết.

Thông thường nếu chưa kết thúc điều tra thì cơ quan điều tra không giải quyết cho gặp mặt người bị tạm giam ( nhưng vẫn được phép thăm nuôi), vì vậy nếu đơn bảo lãnh không được giải quyết, bạn phải chờ đến khi hoàn tất việc điều tra thì mới được gặp mặt bị can.

Người muốn gặp mặt phải có đơn yêu cầu, ghi rõ tên và được cơ quan chức năng chấp thuận. Nếu có điều kiện, bạn nên mời một Luật sư tham gia bào chữa bạn đó để hỗ trợ khi cần thiết.

Thân ái chào bạn !!!

Trích BLHS

..............

Điều 250.  Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có  

 

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến  bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp ;

c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;

d)  Thu lợi bất chính lớn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ  năm năm đến mười năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

..............

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào