Phân chia tài sản chung của Bố để lại không có bản di chúc
Vấn đề bạn quan tâm, xin tư vấn như sau:
1. Theo quy định tại Điều 675 Bộ luật dân sự thì trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật.
Điều 676 Bộ luật dân sự cũng quy định:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Do đó, vợ/chồng, con, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau.
2. Bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành.
Theo quy định tại Điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự thì Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
“1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
“Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành việc kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật”.
(Điều 288 Bộ luật tố tụng dân sự)
Do đó, nếu còn thời hạn kháng nghị, đương sự có quyền đề nghị những người có thẩm quyền kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nếu cần tư vấn rõ hơn, vui lòng liên hệ với Luật sư.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật