Đánh người gây thương tích có được phép thương lượng để không đi tù?
Xin chào bạn!
Về trường hợp bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước hết, có thể nói hành vi của em trai bạn và các bạn của em trai bạn dùng mã tấu chém người thanh niên kia đến ngất xỉu và bị thương tật với tỷ lệ trong vòng 20% đã phạm vào tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên với số liệu mà bạn cung cấp thì khó có thể xác định là áp dụng khoản nào tại điều 104. Cụ thể nếu tỷ lệ thương tật mà dưới 11% mà có dùng hung khí nguy hiểm thì áp dụng khoản 1 điều 104 Bộ Luật Hình sự. Còn nếu tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% mà có dùng hung khí nguy hiểm thì áp dụng khoản 2 điều 104.
Nếu áp dụng theo khoản 1 Điều 104 Bộ Luật hình sự thì theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tự hình sự thì vụ án này sẽ được khởi tố, điều tra nếu có yêu cầu của người bị hại. Do đó, nếu người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút lại yêu cầu khởi tố (nếu đã có yêu cầu) thì em trai bạn và những người gây ra thương tích cho người bị hại sẽ không bị khởi tố, điều tra.
Do đó, gia đình bạn có thể đến thăm hỏi, thương lượng, đền bù chi phí nằm viện và thuốc thang cho người bị hại và thuyết phục người bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc rút lại yêu cầu khởi tố (nếu đã có yêu cầu) vì pháp luật không cấm và việc làm này phù hợp với đạo lý, truyền thống của người Việt Nam.
Riêng hai chiếc xe máy bị cơ quan công an tạm giữ để làm rõ nội dung vụ việc vì được sử dụng vào việc gây ra thương tích cho người bị hại. Nếu ngườì bị hại không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc rút lại yêu cầu khởi tố (nếu đã có yêu cầu) thì các em bạn có thể làm đơn gởi cơ quan công an để xin nhận lại xe.
Thân chào bạn!
Thư Viện Pháp Luật