Tài sản còn lại sau khi đã thoả thuận chia thừa kế nay lại bị kiện tiếp?

Thưa luật sư Thanh Liem Tôi kính nhờ luật sư tư vấn và giải thích một việc của tôi liên quan đến chia thừa kế như sau: Năm 2002, vợ tôi chết, 4 con riêng của vợ tôi kiện tôi để chia thừa kế khối tài sản gồm có: cổ phần của tôi trong nhà máy giấy, trạm xăng và 1 căn nhà tôi đang ở. TA tỉnh Đồng Nai trong khi mời hai bên lên hoà giải. Trong biên bản làm việc giữa tôi với nguyên đơn và thư ký toà: - bên nguyên đơn đòi chia thừa kế trong cổ phần của tôi tại nhà máy giấy, - còn căn nhà bên nguyên đơn không tranh chấp mà để cho em gái của vợ tôi tranh chấp - còn trạm xăng trong thời gian làm ăn đã thế chấp cho ngân hàng và ngân hàng đã chứng minh tài sản thế chấp chỗ ngân hàng. Trạm xăng này sau đó tôi đã phải bán theo yêu cầu của ngân hàng để trả nợ. Toàn bộ số tiền bán đã chuyển cho ngân hàng tất cả, có văn bản của ngân hàng, có giấy chuyển tiền. Trong quá trình hoà giải, theo yêu cầu, căn cứ vào chứng cứ tình hình của các khối tài sản và iên bản làm việc do thư ký toà lập nên tôi đã chia cho bên nguyên đơn phần tài sản là cổ phần trong nhà máy giấy. Sau đó toà đã ra phán quyết đình chỉ vụ kiện và yêu cầu bên nguyên đơn làm đơn rút vụ kiện chỉ có toà và bên nguyên đơn biết thôi. Cho đến nay, 2008, bên nguyên đơn lại kiện tôi đòi chia thừa kế trạm xăng (đã bán trả nợ cho ngân hàng) và căn nhà tôi đang ở (theo biên bản làm việc để được chia thừa kế cổ phần trong nhà máy giấy ko tranh chấp nhà) Vì vậy, nay Toà án thành phố thụ lý vụ kiện, tôi đã nộp toàn bộ hồ sơ và các biên bản làm việc giữa tôi, nguyên đơn do Thư ký TA tỉnh lập để chứng minh tôi không còn dính dáng về chia thừa kế vì trách nhiệm tôi đã xong. Nhưng TA thành phố bảo tôi là thời hiệu thừa kế còn hiệu lực và đương sự có quyền kiện lại. Riêng khối tài sản trạm xăng và căn nhà – mặc dù đương sự không tranh chấp lần trước nhưng lần này đương sự tranh chấp nên Toà thụ lý . Thưa luật sư câu hỏi thứ nhất mong luật sư vui lòng giải đáp: - Quyết định đình chỉ phải dựa trên nội dung yêu cầu và thoả thuận trong các biên bản làm việc giữa nguyên đơn và bị đơn hay là Toà muốn cho nội dung nào vào thì cho vào? - Đơn xin rút vụ kiện khi bên nguyên đơn nộp cho Toà phải ghi đúng nội dung các bên đã thoả thuận trong biên bản làm việc hay là bên nguyên đơn muốn viết gì thì viết và Toà vẫn chấp nhận? Nay tôi bị kiện chia thừa kế nữa thì xin thưa Luật sư trạm xăng phải bán theo yêu cầu của ngân hàng, căn nhà tôi đang ở trước đây trong biên bản chia thừa kế bên nguyên đơn không tranh chấp nay lại đòi chia thừa kế trong trường hợp này quyền lợi tôi được bảo vệ như thế nào? Tôi có thể tìm đến ai để trình bày những tư vấn? Tại sao Toà thành phố không căn cứ vào biên bản làm việc trước đây để xử lý mà nói với tôi rằng nên thoả thuận. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi chẳng có gì sai để thoả thuận cả vì mọi thứ tôi đã chia và hiện nay tôi chỉ còn duy nhất một căn nhà để ở. Rất mong luật sư chỉ bảo. Nếu cần thiết bán nhà để lấy tiền lo chi phí làm sáng tỏ việc ức chế này tôi sẵn sàng. Còn bảo tôi chia lần thứ hai nữa thì thật là quá đáng. (Nhà máy giấy tôi đang làm ăn nay trở thành trắng tay vì chia thừa kế và còn những thất bại khác nữa cũng nguyên nhân từ vụ kiện chia thừa kế trước đây).

Chào bạn

Qua thư của bạn xin được trao đổi với bạn một vài ý sau:

1.      Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện; Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án; …(theo điều 192 Bộ Luật Tố tụng dân sự).

Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp (theo khoản 1 điều 193 Bộ Luật Tố tụng dân sự).

Tuy nhiên, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (theo khoản 4 điều 193 Bộ Luật Tố tụng dân sự).

Như vậy, khi Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là có căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên hoặc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp thuận.

2.      Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định (theo khoản 2 điều 245 Bộ Luật Tố tụng dân sự).

3.     Bạn có thể liên hệ với các Văn phòng Luật sư để được Tư vấn và nhờ bảo vệ quyền lợi của bạn trước Tòa.

Một vài ý trao đổi cùng bạn.


 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào