Toà án có xét xử thừa kế dựa trên cả tình và lý không?

Bố tôi có hai vợ, mẹ tôi là vợ 2, vợ cả có 2 người con tên là T và C, mẹ tôi có 2 người con là tôi (sinh năm 1978) và anh trai tôi (sinh năm 1976). Bố tôi là chiến sĩ lão thành cách mạng làm việc cho Uỷ ban kế hoạch nhà nước (UBKHNN) từ trước những năm 50, trước khi lấy mẹ tôi bố tôi được cơ quan phân (hay cho mượn tôi cũng ko rõ) ngôi nhà A. Tại đó,bố tôi đón vợ cả và anh T chị C lên ở tại ngôi nhà A, sau đó anh T đi B và vào Sài Gòn lập nghiệp có nhà cao cửa rộng trong đó. Sau khi vợ cả mất được gần 10 năm, các bác đồng nghiệp khuyên và tác động cho bố tôi lấy vợ 2 (là mẹ tôi) để có người chăm sóc tuổi già sau này. Nhưng chị C ko đồng ý cho bố tôi đi bước nữa và kịch liệt phản đối, vì vậy cơ quan đã xem xét và phân cho bố tôi một nhà 54 m2 + bếp 20 m2 tại ngách Chùa Nền để cho không khí gia đình bớt căng thẳng. Trong quá trình sống với bố tôi, ban đầu chị C rất phản đối và có đến thăm bố tôi chị cũng không chào hỏi mẹ tôi. Phải sau một thời gian rất dài sau này chị C mới công nhận mẹ tôi là vợ hai của bố và đi lại thăm hỏi. Bố tôi lấy mẹ tôi năm 1975, thì đến năm 1993 bố tôi bị xuất huyết lão và bị liệt, chỉ có mẹ tôi và anh em tôi chăm sóc cho bố, anh T cũng chỉ ra vài lần trong thời gian bố tôi bị ốm, chị C thì phải lo cho nhà chồng nên cũng chỉ đến thăm bố tôi được thôi. Đến năm 1998 thì bố tôi qua đời và mẹ tôi đứng ra lo ma chay cho bố. Sau khi bố tôi được phân nhà mới thì chị C tiếp tục ở ngôi nhà A cùng chồng và con và chị C cũng được bố tôi xin vào làm tại UBKHNN từ năm 1961 - 1970. Ngôi nhà A này sau đó trên giấy tờ (tôi đã đi xác minh) đã được UBKHNN phân cho chị C đứng tên là chủ hộ.  Sau khi bố tôi mất, năm 2000, vì ngôi nhà 54m2 quá cũ đã bị hỏng và vì sợ sập nhà nên các bác hàng xóm có khuyên mẹ tôi bán bếp 20m2 đi để xây lại nhà cho an toàn.Sau khi bán 20m2 đó mẹ tôi xây ngôi nhà 54m2 làm 2 nhà 27 m2/nhà (vẫn thiếu tiền xây dựng và mẹ con tôi sau này phải trả nợ thêm) định bụng khi mẹ tôi trăm tuổi thì chồng tôi và anh tôi sẽ ở đó (vì bà bản chất là người công nhân thật thà nên cũng không bao giờ nghĩ và cũng không biết đến chuyện chia tài sản). Hiện tôi đang ở một nhà và một nhà là của anh trai tôi, anh trai tôi đã lập gia đình tại Sài Gòn và phải thuê nhà trọ sống trong đó,thỉnh thoảng mới ra Hà Nội. Đến tháng 1 năm 2008, anh T và chị C (không hỏi ý kiến mẹ tôi trước) đã tự động mời một số người họ hàng đến thẳng nhà tôi và nói là họp gia đình để chia tài sản và có yêu cầu là bán nhà đi để chia cho anh chị ý. Gia đình tôi đã họp và có ghi lại biên bản,trong đó nêu rõ anh chị ý có quyền được 2/5 của ngôi nhà 27m2 và hai bên đồng ý sẽ chia tài sản, lấy giá nhà nước để làm cơ sở tính tiền chia và hẹn ngày 30.4 sẽ họp lại lần nữa để quyết định số tiền. Ngay sau ngày họp gia đình 1 ngày, anh T có đến nhà tôi xin giấy chứng tử của bố và một số giấy tờ khác,chồng tôi và anh T có tranh luận và anh T kiện lên phường và lên quận nơi nhà tôi đang ở là chồng tôi có ý và hành hung anh ý (thực tế chồng tôi là người rất hiền lành,điềm đạm, ko bao giờ văng tục, chửi bới). Công an phường đã gọi chồng tôi đến xác minh, cạnh nhà tôi có tổ trưởng tổ dân phố đã xác minh là không có sự việc đó xảy ra. Hơn nữa trong mỗi lần đến nhà tôi gần đây anh T đều giấu diếm mang theo băng ghi âm,nếu có sự việc đó xảy ra thì anh ý đã lôi băng ghi âm ra làm bằng chứng rồi. Ngày 30.4 đến,anh T chị C ko đến nhà tôi theo thoả thuận nữa mà đã tự động gửi đơn lên toà án đề nghị được xét xử chia tài sản (có lẽ anh chị ý sợ đến tháng 11 năm 2008 là hết hạn 10 năm sau khi bố tôi mất và sẽ không được chia tài sản nữa). Hiện nay gia đình nhà tôi đã nhận được thông báo của toà án về việc chia tài sản (mẹ tôi là bị đơn) và hẹn trong 15 ngày phải có biên bản ghi ý kiến (hoặc gia hạn). Tôi có đi hỏi một số người thì họ có nói đến tính tiêu cực này nọ trong xã hội, đồng tiền sẽ biến đen thành trắng và trắng thành đen nên làm cho gia đình tôi cảm thấy rất thất vọng. Nhà tôi thì mẹ già (73 tuổi) và con nhỏ, vợ chồng anh trai tôi thì sống  ở SG vợ làm thợ may, chồng lái xe thuê và phải thuê nhà trọ thì làm sao có tiền để chạy theo kiện tụng. Xét về tuổi tác, anh T và chị C đáng tuổi bố mẹ tôi (vợ chồng tôi còn ít tuổi hơn cả con của anh chị ý) nhưng thực sự tôi cũng thấy buồn vì anh T còn tuyên bố với mọi người là anh ý đòi chia tài sản và lấy tiền đó để làm từ thiện. Xung quanh hàng xóm láng giềng cũng đều là bộ đội và họ cũng chứng kiến hoàn cảnh gia đình từ những ngày đầu tiên. Hàng xóm hứa khi ra toà sẽ đứng ra làm nhân chứng cho gia đình tôi. Vậy xin luật sư cho tôi hỏi một số câu hỏi sau: Nếu sau này ra toà, toà án có xét xử dựa trên tình cảm hay không, có dựa trên quan điểm ai đứng ra chăm sóc lúc bố đau yếu hay lo ma chay để định đoạt tài sản hay không? Trường hợp anh tôi không ở tại nhà, thì toà án có ép phải bán một ngôi nhà hay không? Nếu gia đình tôi không muốn bán thì có xin được trả tiền làm nhiều đợt cho anh T và chị C không? Nếu theo quy định thông thường thì việc kiện tụng trên sẽ tuân theo các trình tự và kéo dài trong bao lâu? Mẹ tôi có thể uỷ quyền cho tôi để tôi thay mặt ra trước toà và trả lời hoặc quyết định các vấn đề liên quan không?

Chào bạn.

Một số ý trao đổi cùng bạn.
Nguyên tắc xét xử Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật và trong các vụ án dân sự, Tòa án tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên (nếu thỏa thuận này không trái với pháp luật và đạo đức xã hội). Pháp luật về thừa kế chỉ ghi nhận công chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ chồng (vợ), góp phần xây dựng, duy trì khối tài sản ở gia đình bố, mẹ chồng (vợ) của con dâu (hoặc rể) để xem xét khi phân chia khối tài sản thừa kế. Pháp luật thừa kế chưa thừa nhận công chăm sóc, nuôi dưỡng của con đối với cha, mẹ cũng như của vợ (chồng) đối với chồng (vợ) vì những đối tượng này đã được thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của bạn, bạn có thể đề nghị Tòa án xem xét đến các chi phí có liên quan đến thừa kế như:

- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng còn thiếu (nếu có);

- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ (nếu có);

- Chi phí cho việc bảo quản di sản (chi phí sửa chữa nhà) …

(Theo điều 683 Bộ Luật dân sự).

Nếu gia đình bạn không tự thỏa thuận phân chia tài sản được thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết theo luật định. Khi đã có quyết định của Tòa thì anh của bạn phải chấp hành.

 Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật ; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật (Khoản 2 điều 685 Bộ Luật dân sự).  Nếu gia đình bạn không muốn bán nhà và xin được trả tiền làm nhiều đợt cho anh T và chị C thì gia đình bạn phải thỏa thuận với anh T và chị C và trình bày nguyện vọng với Tòa án.

Nguyên tắc xét xử án dân sự là tiến hành hòa giải nếu hòa giải không thành Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Thời gian chuẩn bị xét xử vụ án về tài sản thừa kế là 04 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý (Điều 179 Bộ Luật Tố tụng dân sự).

Mẹ bạn có thể làm văn bản ủy quyền (có chứng thực hợp pháp) cho bạn để ra Tòa và quyết định sự việc.

Thân.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào