Tôi muốn hỏi Luật sư về chế tài xử phạt khi Viên chức nhà nước sinh con thứ 3
Chào bạn.
Trước hết, về xử phạt hành chính, việc sinh con thứ ba, không nằm trong các hành vi vi phạm hành chính (như: Tuyên truyền, phổ biến thông tin dân số trái quy định của pháp luật; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai trái với quy định của pháp luật; cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; lựa chọn giới tính thai nhi; vi phạm quyền trẻ em, vi phạm quy định trong hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em …), do đó, không bị xử phạt hành chính.
Nhưng đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.
(Nghị định số: 114/2006/NĐ-CP ngày 3.10.2006 của Chính phủ)
Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ, đó là mỗi gia đình có từ 1 - 2 con và cuộc vận động về KHHGĐ đã đạt được những kết quả tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sau khi triển khai Pháp lệnh dân số, đã có nhiều người lầm tưởng Pháp lệnh quy định về quyền được quyết định sinh con (quyết định số con) cho nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã gia tăng hơn trước.
Chính vì lý do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa lại Điều 10 của Pháp lệnh dân số năm 2003 (Pháp lệnh số15/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008) và quy định cụ thể về mô hình gia đình có 1 hoặc 2 con.
Đồng thời với các quy định của Pháp lệnh dân số thì Đảng có các quy định xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách DS - KHHGĐ, trong đó có quy định về xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Về Đảng đã có Quy định số94/QĐ-TW, ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, do đó nếu vi phạm trong trường hợp sinh con thứ 3 (trừ những trường hợp pháp luật quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ.
Tuy nhiên, Điều 11 của Quy định số 94 cũng chỉ rõ là những trường hợp đảng viên vi phạm đã bị xử lý kỷ luật trước đây thì nay không căn cứ vào quy định này để xem xét lại. Như vậy, những trường hợp sinh con thứ 3 trước ngày 15/10/2007 sẽ không bị truy cứu.
Thêm vào đó, tại Hướng dẫn số 11 của Ủy ban kiểm tra Trung ương (BCH TW Đảng), ngày 24/3/2008, hướng dẫn thực hiện Quy định số 94, ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó cũng có quy định của Đảng về DS-KHHGĐ, cụ thể có quy định các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đó là kỷ luật cảnh cáo đối với đảng viên; cách chức đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc chức danh quản lý của cấp ủy vi phạm lần đầu nếu sinh con thứ 3 trở lên.
Tuy nhiên, những đảng viên vi phạm chính sách DS - KHHGĐ cũng có quy định rất rõ những trường hợp đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đã khai báo với cấp ủy của mình nhưng cấp ủy không xử lý mà chỉ phê bình, giáo dục đảng viên đó không được tái phạm chính sách DS-KHHGĐ thì nay cũng không đặt vấn đề xử lý (đây là những đảng viên vi phạm sinh con thứ 3 trước ngày 22/3/2005 mà liên quan tới Nghị quyết số 47 của Trung ương Đảng về DS-KHHGĐ thì những trường hợp sinh con thứ 3 cũng không bị xử lý nữa).
Như vậy, chúng ta dựa vào 2 văn bản đó là Quy định số 94 và Hướng dẫn số 11 của UB KTTW thì những trường hợp sinh con thứ 3 trước ngày 22/3/2005 theo Nghị quyết 47 thì sẽ không đặt vấn đề xử lý nếu đảng viên đó đã khai báo với cấp ủy quản lý mình.
Còn đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm chính sách DS - KHHGĐ thì trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chính sách DS - KHHGĐ ban hành kèm theo Quyết định số 09/2006/QĐ-TTG ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ thì xử lý nghiêm những cán bộ công chức, viên chức vi phạm chính sách DS - KHHGĐ là không đề cử, đề bạt và xem xét đưa ra khỏi các chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm chính sách này.
Tuy nhiên, vì quyết định được ban hành năm 2006 cho nên trước thời hạn quyết định 09 có hiệu lực thì những trường hợp vi phạm trước đó sẽ không bị truy cứu nữa. Còn đối với những trường hợp không khai báo, nay bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Bạn có thể tham khảo các văn bản nói trên để triển khai việc vận động Cán bộ, công chức thực hiện tốt chính sách DS – KHHGĐ.
Một số ý trao đổi cùng bạn.
Thư Viện Pháp Luật