Chuyển hộ khẩu cho con, gia đình vợ phản đối, tôi phải làm gì?
Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Đăng ký hộ khẩu thường trú là quyền nhân thân gắn liền với trẻ em và cũng là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2014 thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, ... có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
1. Thủ tục chuyển hộ khẩu từ Hà Nội về Hải Dương
Theo thông tin bạn cung cấp thì con bạn sau khi sinh đã được nhập hộ khẩu ở Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng bạn và con bạn đang sinh sống tại Hải Dương. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật cư trú thì “Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ ...” Do vậy, nếu nơi cư trú của gia đình bạn tại Hải Dương là hợp pháp (theo quy định tại Điều 12, Luật Cư trú) thì bạn hoàn toàn có quyền thực hiện việc chuyển hộ khẩu cho con từ Hà Nội tới Hải Dương để đảm bảo việc học hành của đứa trẻ, cụ thể, bạn phải thực hiện qua 02 thủ tục sau:
Bước 1: Thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu
Bạn chuyển hộ khẩu cho con từ Hà Nội về Hải Dương thuộc trường hợp chuyển hộ khẩu ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương, do đó, bạn phải tới Công an quận, huyện nơi con bạn có hộ khẩu thường trúđể làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 28, Luật Cư trú.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu và sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây). Hiện nay, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu, bạn không cần phải có giấy đồng ý cho đăng ký thường trú của cơ quan Công an nơi chuyển đến theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014.
Bước 2: Thủ tục đăng ký thường trú
Do bạn chưa cung cấp thông tin nơi ở cụ thể của bạn tại Hải Dương là thành phố, thị xã hay thị trấn, vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 9, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 thì tùy trường hợp cụ thể, bạn có thể đến Công an xã, thị trấn của tỉnh Hải Dươngđể làm thủ tục đăng ký thường trú. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan Công an có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho bạn để làm thủ tụcvà thông báo cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ (theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 22, Luật Cư trú)
Về hồ sơ đăng ký thường trú, theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 35/2014/TT-BCA, bạn cần chuẩn bị những văn bản sau:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy chuyển hộ khẩu
- Giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ giữa cha mẹ và con.
- Giấy khai sinh của con bạn
Như vậy, việc chuyển hộ khẩu cho con bạn từ Hà Nội về Hải Dương sống chung cùng vợ chồng bạn là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, không chỉ đảm bảo quyền được đăng ký thường trú của đứa trẻ mà còn thể hiện trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục cho con cái. Để thực hiện công việc này, bạn phải làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu tại Hà Nội và đăng ký thường trú cho đứa trẻ tại Hải Dương theo đúng quy định pháp luật.
2. Trong trường hợp gia đình nhà vợ chưa cho cháu nhập hộ khẩu về Hải Dương ngoài nguyện vọng của tôi thì tôi có cách gì không?
Trước hết, để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với gia đình nhà vợ, bạn nên khéo léo, linh hoạt trong việc giải thích, thuyết phục gia đình nhà vợ đồng ý để bạn có thể chuyển hộ khẩu cho con từ gia đình nhà vợ (tại Hà Nội) về nhập khẩucùng hộ khẩu của vợ chồng bạn (tại Hải Dương) vì quyền lợi và tương lai của đứa trẻ.
Theo quy định tạikhoản 1, Điều 141, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì vợ chồng bạn là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, do vậy, vợ chồng bạn có quyền yêu cầu gia đình nhà vợ (chủ hộ) có trách nhiệm tạo điều kiện cho bạn sử dụng Sổ hộ khẩu để chuyển hộ khẩu cho đứa trẻ, trừ trường hợp vợ chồng bạn bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trong trường hợp, gia đình nhà vợ vẫn nhất quyết phản đối, thì gia đình nhà vợ có thể gây khó khăn cho bạn trong việc sử dụng Sổ hộ khẩugia đình, trong đó có ghi khẩu của con bạn để làm thủ tục chuyển khẩu. Nếu chủ hộ không đưa cho bạn Sổ hộ khẩu để làm thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu là vi phạm quy định tại khoản 8, Điều 10, Thông tư số 35/2014/TT-BCA, theo đó: “Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật”. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp chủ hộ gây khó khăn trong việc sử dụng Sổ hộ khẩu, bạn có thể phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo tới cơ quan Công an quận, huyện– nơi có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho con bạn theo quy định tại Điều 39, Luật Cư trú và Điều 5, Thông tư số 35/2014/TT-BCA. Cơ quan Công an có quyền kiểm tra và yêu cầu gia đình nhà vợ bạn (chủ hộ) xuất trình Sổ hộ khẩu, yêu cầu người giữ Sổ hộ khẩu phải cung cấp Sổ hộ khẩu cho cơ quan công an để tiến hành thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu (theo quy định tại khoản 7, Điều 10,Thông tư số 35/2014/TT-BCA).
Nếu người giữ hộ khẩu vẫn không cung cấp thì Cơ quan Công an áp dụng quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính đối với người giữ hộ khẩu, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký cư trú theo yêu cầu của công dân đúng quy định pháp luật đồng thời thông báo kết quả giải quyết cho chủ hộ và người giữ hộ khẩu biết.
Như vậy, việc phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo tới Cơ quan Công an là cách làm hiệu quả để bạn không bị gia đình nhà vợ gây khó khăn và có thể sử dụng Sổ hộ khẩu một cách hợp pháp để chuyển hộ khẩu cho con bạn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng phương pháp này bạn nên thuyết phục, giải thích cho gia đình nhà vợ tự nguyện giao Sổ hộ khẩu cho bạn, tránh những rạn nứt về tình cảm giữa bạn với gia đình nhà vợ.
3. Trường hợp nào tôi có thể tự nhập hộ khẩu cho cháu được, vì giấy khai sinh hiện nay tôi đang giữ?
Giấy khai sinh của trẻ là một trong những tài liệu cần thiết để tiến hành thủ tục đăng ký thường trú cho con bạn theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 35/2014/TT-BCA. Tuy nhiên, bạn không thể tự nhập sổ hộ khẩu cho con bạn, mà phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và thực hiện theo đúng quy trình thủ tục về việc cấp giấy chuyển hộ khẩu và đăng ký thường trú như chúng tôi đã phân tích tại phần 01 và phần 02.
Từ những phân tích nêu trên, để chuyển hộ khẩu cho con của bạn từ Hà Nội về Hải Dương theo đúng quy định pháp luật, bạn cần tiến hành 02 quy trình, thủ tục độc lập tại Cơ quan công an có thẩm quyền, đó là: thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu và thủ tục đăng ký thường trú. Trong trường hợp bị gia đình nhà vợ gây khó dễ trong việc sử dụng Sổ hộ khẩu, thì trước khi phản ánh tới Cơ quan Công an, bạn nên khéo léo giải thích, thuyết phục cho gia đình nhà vợ hiểu và tự nguyện giao Sổ hộ khẩu để bạn đi đăng ký cư trú cho con bạn, đảm bảo quyền nhân thân của đứa trẻ, quyền được cha mẹ chăm sóc và giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển về thể chất và tinh thần. Đồng thời giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, thể hiện sự trân trọng của bạn đối với gia đình nhà vợ.
Thư Viện Pháp Luật