Chưa kết hôn, bố đứa bé quyết không đứng tên khai sinh cho con, người mẹ phải làm gì?
Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
“Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.”(khoản 2, Điều 5, Nghị định 158/2005/NĐ-CP). Vì vậy, đối với trẻ em mới sinh ra, việc đầu tiên phải làm là đăng ký khai sinh để làm cơ sở thiết lập hồ sơ, giấy tờ cá nhân, cũng như một cách để xã hội thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đến nay con bạn đã gần 02 tuổi, nhưng gia đình vẫn chưa đi đăng ký khai sinh cho trẻ, bạn và cha cháu bé lại chưa đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 9, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc kết hôn không được đăng ký sẽ không có giá trị pháp lý; đứa trẻ không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên không đương nhiên trở thành con chung của bạn và cha đứa trẻ theo quy định tại khoản 1, Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, hiện tại bạn không đủ các điều kiện để đăng ký khai sinh cho cháu bé có cả tên cha và tên mẹ theo thủ tục đăng ký khai sinh quy định tại Điều 15, Nghị định 158/2005/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP, trừ trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha tự nguyện nhận cháu bé là con hoặc có Bản án/Quyết định của Tòa án về việc xác định cha cho con.
Vì vậy, việc khai sinh cho cháu bé có cả tên cha lẫn mẹ, sẽ được tiến hành theo một trong hai trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất, người cha tự nguyện nhận đứa trẻlà con và tiến hành thủ tục đăng ký việc nhận cha, con tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong trường hợp này, việc đăng ký nhận cha, con là tự nguyện và không có tranh chấp, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ kết hợp giải quyết cả 02 thủ tục là nhận con và đăng ký khai sinh cho đứa trẻ (theo quy định tại khoản 3 Điều 15, Điều 33, Điều 34, Nghị định 158/2005/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP)
Trường hợp thứ hai, thực hiện thủ tục xác định cha, con tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo thông tin bạn cung cấp thì người cha nhất quyết không chịu làm giấy khai sinh cho con, vì vậy, nếu bạn không thể thuyết phục được người cha đi đăng ký nhận con và làm thủ tục đăng ký khai sinh cho đứa trẻ tại UBND cấp xã thì bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định cha cho con theo quy định tại điểm a khoản 3, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Do bạn và cha cháu bé có tổ chức đám cưới trước sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng, bạn bè của hai bên gia đình; trong quá trình chung sống, bạn sinh được đứa con gần 02 tuổi, đây chính là những căn cứ để bạn có thể gửi Đơn yêu cầu tới Tòa án xác định cha, con theo quy định tại điểm a khoản 3, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nếu trong giai đoạn xét xử mà chồng bạn vẫn kiên quyết không nhận là cha của cháu bé thì Tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định ADN giữa người cha và cháu bé để xác định mối quan hệ cha con.
Sau khi Tòa án ban hành Bản án/Quyết định xác định cha cho cháu bé, bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn cho con theo đúng quy định tại Điều 45, Nghị định 158/2005/NĐ-CP(được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP). Theo đó, bạn tới UBND cấp xã nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Bản án/Quyết định của Tòa án về việc xác định cha cho cháu bé, Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch sẽ căn cứ vào những tài liệu bạn cung cấp nêu trên để ghi tên bạn và cha cháu bé vào Sổ đăng ký khai sinh và Bản chính Giấy khai sinh theo đúng quy định pháp luật.
Có thể thấy, việc yêu cầu Tòa án xác định cha, con là cách làm hiệu quả để đạt được mục đích đi đăng ký khai sinh cho cháu bé có tên cả cha và mẹ. Tuy nhiên, cách làm này có thể gây nên mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm giữa bạn và cha đứa trẻ, do vậy, trước khi áp dụng phương pháp này, bạn nên giải thích, động viên cho cha cháu bé hiểu quyền được đăng ký khai sinh là vì tương lai của trẻ, nếu trẻ không được đăng ký khai sinh sẽ ảnh hưởng đến quyền đi học, quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một công dân hay gặp rắc rối trong đăng ký hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ nhân thân khác, cũng như các quyền tài sản (nếu có). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyên bạn cùng cha cháu bé nên tới UBND cấp xã đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật để cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc vẹn toàn.
Thư Viện Pháp Luật