Gia đình tôi có được quyền sử dụng hợp pháp mảnh vườn đã cải tạo, trồng rau và cây ăn quả ổn định từ năm 1973?

Chào Luật sư! Trước tiên xin chúc Luật sư khoẻ mạnh và thành đạt. Tôi có một vấn đề xin hỏi Luật sư như sau: Bố mẹ tôi là công nhân đã nghỉ hưu của một cơ quan nhà nước được cơ quan phân cho một gian nhà trong khu tập thể từ năm 1968. Khu tập thể này nằm trong diện tích đất mà cơ quan được thành phố giao cho quản lý ( Khu tập thể hiện có khoảng 50 hộ gia đình sinh sống 3đời và có khoảng 200 nhân khẩu). Năm 1973 cơ quan phân cho gia đình tôi một gian nhà khác ở đầu hồi khu tập thể. Trước cửa nhà có một khu đất trũng mất vệ sinh, gia đình tôi đã cải tạo, trồng rau và cây ăn quả ổn định cho đến ngày nay. Đến trước năm 1989 cơ quan có thanh lý toàn bộ các gian nhà tập thể, gia đình tôi đã thanh toán đầy đủ. Năm 1997 một số hộ gia đình đã xin phép được xây dựng cải tạo lại nhà ở.UBND huyện và Thành phố đã đồng ý cho sửa chữa lại nhà trên diện tích nhà cũ và cho phép xây nhà kiên cố 3 tầng. Trước khi cơ quan thanh lý, khu vườn đó liền với khu đất của gia đình tôi, đến khi thanh lý cơ quan có lấy một phần diện tích làm đường đi cho khu gia đình, vì vậy hiện nay khu vườn đó cách mảnh đất của gia đình tôi một con đường nhỏ. Hiện nay, mảnh vườn đó gia đình tôi vẫn đang trồng cây ăn quả và trồng rau ổn định.   Tôi xin hỏi : -          Gia đình tôi có được quyền sử dụng hợp pháp mảnh vườn đó không, được quyền sử dụng theo luật sử dụng trong trường hợp nào? -          Khi cơ quan lấy cắm đất cho người khác thì phải đền bù cho gia đình tôi như thế nào? -          Trong khuôn viên đất khu tập thể có khoảng hơn 50 hộ gia đình đang sinh sống có nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng từ năm 1968 cùng với khu tập thể dùng để trông trẻ em cho các gia đình sống trong khu tập thể, nay cơ quan tự ý phá nhà trẻ cắm đất chia lô bán cho người khác có đúng không? Dân sống trong khu tập thể có quyền gì trong việc cơ quan phá nhà trẻ của khu tập thể chia lô bán đất trên nền đất nhà trẻ?     -          Khuôn viên đất khu tập thể có được coi là khu cộng đồng dân cư?                                                         Mong được sớm hồi âm.                                                         Xin chân thành cảm ơn!   Người gửi: Trần Thuỷ Hoàng Email: [email protected]

Vấn đề mà bạn nêu ra theo tôi là không đơn giản một chút nào, Tôi đã gửi email cho bạn nhưng không biết bạn đã đọc chưa.

Vậy nên tôi xin đăng lại câu trả lời để bạn được biết.

Thực ra qua thư tôi cũng chưa thể làm rõ được tất cả các tình tiết, nhưng cũng xin nêu ra một vài điểm để bạn lưu ý và cũng mong sẽ giúp được bạn trong việc bảo vệ quyền lợi của gia đình ở mức có thể.

Thứ nhất: Nhà nước chỉ bảo vệ quyền và lợi ích cho những người đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Diện tích mà gia đình bạn sử dụng (trồng rau) tuy thời gian bắt đầu sử dụng là từ rất lâu, tuy nhiên để đáp ứng được điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chưa được bởi vì:

- Diện tích đất đó gia đình bạn không có bất cứ một giấy tờ gì về mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, nhà nước hoặc cơ quan giao … (theo điều 50 luật đất đai)

- Không có xác nhận của UBND xã, phường về việc sử dụng, ổn định, không tranh chấp và phù hợp với quy hoạch (nếu có xác nhận này của UBND xã, phường thì lại là chuyện khác).

Thứ hai: Khi đất sử dụng hợp pháp thì tài sản trên đất mới có thể coi là hợp pháp.

Thứ ba: Việc cơ quan hay bất cứ đơn vị nào lấy đất để giao cho người khác phụ thuộc vào việc diện tích đất đó thuộc quyền sở hữu của ai (cơ quan, UBND).

Nếu đất đó thuộc sở hữu của cơ quan thì đương nhiên họ được quyền lấy lại và thực hiện quyền định đoạt của mình. Quyền định đoạt của cơ quan phụ thuộc vào các văn bản, giấy tờ cấp cho cơ quan (có thể phân cho cán bộ công nhân viên của công ty, có thể được bán và cũng có thể không được làm gì cả.

Vì vậy  bạn cần tìm hiểu thêm).

Thứ tư: Việc đền bù hay không trong trường hợp này là khá linh động, nó không như chính sách đền bù theo dự án phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh quốc phòng của Nhà nước. Nếu là công trình của Nhà nước thì sẽ có thủ tục phê duyệt dự án, thu hồi đất, phương án đền bù. Vì vậy, việc thoả thuận đền bù trong trường hợp này nó như một quan hệ dân sự và được phép thoả thuận.

Thứ năm: Việc phá dỡ nhà trẻ cũng vậy. Nhưng đây rõ ràng là một vấn đề nhạy cảm. Về lý, cần phải xét đến thủ tục pháp lý của cơ sở trông giữ trẻ. Nó có đăng ký kinh doanh hay chỉ là tự tập thể lập ra.

Vì vậy nếu cơ sở giữ trẻ này không áp dụng được về mặt pháp lý thì tôi e là các hộ dân khó có thể đòi được quyền lợi.

Trên đây là một số quan điểm của tôi theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên theo tôi được biết thì không phải lúc nào các tranh chấp kiểu này cũng được giải quyết nhanh chóng.

Gia đình bạn cũng như các hộ dân cần có những tìm hiểu thêm về diện tích đất đó để bảo vệ quyền lợi của mình (có thể qua địa chính của UBND xã, phường để tìm hiểu hồ sơ địa chính xem ai là người có tên trên diện tích đất đó).

Chúc bạn và gia đình sức khoẻ và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào