Việc thu phí đường bộ được quy định như thế nào?

Việc thu phí đường bộ được quy định như thế nào, cá nhân khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô chưa có biên lai nộp phí đường bộ có được coi là vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức xử phạt như thế nào? Xử phạt bằng tiền hay có biện pháp xử phạt khác? Nếu xử phạt bằng tiền thì mức phạt là bao nhiêu? Được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào? Nguyễn Đình Nhương, tổ 26, Bắc Cường, lào Cai

Việc thu phí đường bộ được quy định tại thông tư Số: 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Đối với phương tiện mô tô chưa nộp phí đường bộ cần thực hiện nghĩa vụ nộp phí theo thời gian quy định tại Điều 7 thông tư Số: 133/2014/TT-BTC như sau:

+ Đối với xe phát sinh từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 7 hàng năm (từ ngày 01/7 đến ngày 31/7).

+ Đối với xe phát sinh từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 01 năm sau (chậm nhất ngày 31/01).

+ Các năm tiếp theo không có biến động tăng, giảm xe, chủ phương tiện thực hiện nộp phí vào tháng 01 hàng năm (chậm nhất 31/01) mức thu phí 12 tháng cho cơ quan thu phí.

Ngoài thời gian nêu trên, các phương tiện mô tô chưa nộp phí đường bộ bị coi là Hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí, được quy định cụ thể tại Điều 6 thông tư Số: 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, cụ thể:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí.

2. Phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng.

Về thẩm quyền xử phạt được quy định cụ thể như sau:

+ Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

1. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại Điều này có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

2. Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này khi đang thi hành công vụ.

b) Công chức khi đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý thị trường, phí, lệ phí, hóa đơn.

+ Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 triệu đồng.

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 25 Nghị định này.

Theo Đường bộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào