Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại
Điều 7 Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/7/2009 có quy định về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại cụ thể:
1. Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.
2. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có.
3. Chi phí tống đạt do Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với văn phòng Thừa phát lại:
a) Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho văn phòng Thừa phát lại.
b) Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thì Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho văn phòng Thừa phát lại.
4. Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án, văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự. Những vụ việc phức tạp, văn phòng Thừa phát lại và bên yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.
5. Trường hợp người được thi hành án thuộc diện được miễn, giảm phí thi hành án hoặc người phải thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại lập hồ sơ đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định miễn, giảm để làm thủ tục hoàn trả khoản tiền được miễn, giảm từ ngân sách nhà nước cho văn phòng Thừa phát lại.
6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại.
Thư Viện Pháp Luật