Muốn yêu cầu chồng bồi thường tuổi thanh xuân khi ly hôn
Trên thực tế thì việc bồi thường liên quan đến vấn đề này (nếu có) chỉ là sự thỏa thuận mang tính tự nguyện của các bên.
Đảm bảo quyền lợi của phụ nữ do việc ly hôn phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn, khó khăn trong việc tạo lập cuộc sống mới nên khi giải quyết ly hôn tòa án sẽ tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân, lỗi của các bên để chia tài sản chung của vợ chồng. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau: “2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;…
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
Nội dung quy định tại khoản 2 Điều 59 nêu trên còn được hướng dẫn chi tiết tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 như sau:
“4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phát tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
6. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Đối chiếu quy định vừa trích dẫn ở trên với trường hợp của bạn, dù không có cơ sở để “đòi chồng bồi thường tuổi thanh xuân”, nhưng khi yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, bạn có thể cung cấp những chứng cứ chứng minh việc chồng bạn không chung thủy, không quan tâm chăm sóc con hoặc các chứng cứ chứng minh bạn là người có công sức đóng góp nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ chồng để yêu cầu tòa xem xét, quyết định phân chia cho bạn phần nhiều hơn trong khối tài sản chung, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của bạn và các con của mình.
Thư Viện Pháp Luật