Pháp luật quy định như thế nào về tội đưa hối lộ?
- Theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản liên quan, tội đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện. Việc đưa hối lộ có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho, tặng… Của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm, nếu của đưa hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu của đưa hối lộ có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.
Có 4 khung hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ:
1) Phạt tù từ một năm đến sáu năm nếu của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;
2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) có tổ chức;
b) dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) phạm tội nhiều lần;
đ) của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e) gây hậu quả nghiêm trọng khác;
3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) gây hậu quả rất nghiêm trọng khác;
4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ một đến năm lần giá trị của hối lộ.
Trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ; Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Thư Viện Pháp Luật