Quy định dán nhãn hàng hoá
Nghị định 89/2006 áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. "Nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá. "Ghi nhãn hàng hoá" là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Hàng hoá sau không bắt buộc phải ghi nhãn:
- Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
- Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá Nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện 3 nội dung sau:
- Tên hàng hoá;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;
- Xuất xứ hàng hoá. Ngoài ra, tùy theo tính chất của hàng hoá mà các nội dung trên nhãn có thể khác nhau đôi chút.
Cụ thể như sau :
- Lương thực: Nội dung gồm : Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng.
- Thực phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
- Thuốc dùng cho người: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng;Thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, sức khoẻ; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn (điều kiện) bảo quản.
- Mỹ phẩm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần; Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn, sức khoẻ; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
- Đồ chơi trẻ em: Thành phần; Thông số kỹ thuật;Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; Hướng dẫn sử dụng.
- Ô tô: Nhãn hiệu và số loại (Model); Tự trọng (Khối lượng bản thân); Tải trọng; Mã nhận dạng phương tiện (VIN); Số chứng nhận kiểu loại được phê duyệt (Type Approved); Năm sản xuất.
- Mô tô, xe máy: Nhãn hiệu và số loại (Model); Tự trọng (Khối lượng bản thân);Dung tích xi lanh; Số chứng nhận kiểu loại được phê duyệt (Type Approved);Năm sản xuất.
- Ấn phẩm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, nghệ thuật: Nhà xuất bản (Nhà sản xuất), nhà in; Tên tác giả, dịch giả; Giấy phép xuất bản; Thông số kỹ thuật (khổ, kích thước, số trang).
Trong nghị định cũng qui định nội dung với hầu hết các loại hàng hóa như : Thuốc lá, Dược liệu, Thức ăn chăn nuôi, Thuốc bảo vệ thực vật, Giống cây trồng, vật nuôi, Sản phẩm dệt, may, da, giầy, Nhạc cụ ; Hàng thủ công mỹ nghệ ... Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó.
Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
Hàng hoá của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hoá đó.
Minh Hải
Việt Báo (Theo_VnMedia )
Thư Viện Pháp Luật