Người xuất cảnh hợp pháp được quyền định đoạt nhà của mình

Tôi chuẩn bị định cư ở Pháp. Hiện tôi đang đứng tên sở hữu một căn nhà tại TP.HCM, vậy khi đi tôi phải làm thủ tục gì về căn nhà này? Nếu tôi muốn để anh em tôi sử dụng thì có rắc rối gì sau này không? Tôi nghe nói khi xuất cảnh nếu nhà cửa không sang tên sở hữu cho người khác thì sẽ bị Nhà nước quản lý có đúng không? ( nguyent***@notech.us )

Theo quyết định 297 ngày 2-10-1991 của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề về nhà ở và thông tư 383/BXD-ĐT ngày 5-10-1991 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành quyết định 297, người xuất cảnh hợp pháp có quyền định đoạt đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

Trong trường hợp nhà đem bán thì Nhà nước được quyền ưu tiên mua. Như vậy, trước khi xuất cảnh, ông có quyền tự định đoạt căn nhà thuộc sở hữu của ông bằng các cách: chuyển quyền sở hữu (bán, tặng cho...) hoặc ủy quyền cho anh em của ông (hoặc Nhà nước/người khác...) quản lý căn nhà. Việc mua bán/tặng cho phải làm thành văn bản có sự chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước.

Trong trường hợp ông muốn để cho anh em của ông sử dụng hay quản lý, hình thức tốt nhất là làm văn bản ủy quyền có chứng nhận của cơ quan công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp quận huyện.

Lưu ý phải ghi rõ trong văn bản ủy quyền các nội dung: ủy quyền trong những phạm vi nào, thời hạn ủy quyền là bao lâu, việc ủy quyền có thù lao không... để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

Việc ủy quyền quản lý, sử dụng căn nhà sẽ chấm dứt khi phát sinh các trường hợp sau:

1. Thời hạn ủy quyền hết hoặc công việc ủy quyền đã hoàn thành;

2. Người ủy quyền bãi bỏ ủy quyền hoặc người nhận ủy quyền khước từ ủy quyền;

3. Người ủy quyền hay người nhận ủy quyền chết.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (Đoàn luật sư TP.HCM)

Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào