Có nơi nào nhận giữ di chúc bí mật?
Theo bạn trình bày, vợ chồng bạn muốn người khác trông giữ bí mật bản di chúc của mình. Theo quy định tại Ðiều 665 Bộ luật dân sự năm 2005 về việc gửi giữ di chúc:
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
2. Trong trường hợp cơ quan công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của pháp luật về công chứng.
3. Cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giữ bí mật nội dung di chúc;
b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.
Như vậy, để lưu giữ bản di chúc, người lập di chúc có thể lựa chọn các cách thức lưu giữ di chúc như sau:
- Tự mình giữ di chúc: Việc người lập di chúc tự mình lưu giữ di chúc sẽ bảo đảm cho việc giữ gìn bí mật của bản di chúc, chỉ người lập di chúc biết được toàn bộ nội dung di chúc cho đến khi người đó chết.
- Yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ di chúc: Cần lưu ý rằng, cơ quan công chứng, chứng thực di chúc có thể là cơ quan công chứng hoặc Uỷ bản nhân dân xã, phường, thị trấn; nhưng Bộ luật dân sự cũng như pháp luật về công chứng, chứng thực đều quy định chỉ có cơ quan công chứng mới thực hiện việc lưu giữ di chúc.
- Gửi người khác lưu giữ bản di chúc: Để bảo đảm cho việc phân chia di sản sau khi người lập di chúc chết đúng với mong muốn của mình, người lập di chúc cũng có thể gửi di chúc cho một người mà mình có quan hệ chặt chẽ khi còn sống và có thể đặt niềm tin vào người này. Người lập di chúc nên viết rõ một số thông tin cơ bản về người gửi giữ bản di chúc trong bản di chúc.
Với ba cách thức để lưu giữ di chúc như trên, pháp luật Việt Nam có quy định chặt chẽ việc gửi giữ di chúc thông qua yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng. Cụ thể, tại Điều 60 Luật công chứng năm 2014 quy định về nhận lưu giữ di chúc như sau:
1. Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.
2. Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.
Như vậy, nếu vợ chồng bạn yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc của mình thì bạn yên tâm về trình tự, thủ tục và mức độ an toàn (giữ bí mật cao độ); bởi khi nhận lưu giữ di chúc, Công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt vợ chồng bạn, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho vợ chồng bạn. Tuy nhiên, nếu nhờ tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ di chúc thì vợ chồng bạn sẽ mất thêm một khoản tiền phí lưu giữ di chúc.
Bộ luật dân sự năm 2005 quy định nghĩa vụ của người lưu giữ di chúc như sau:
- Giữ bí mật nội dung di chúc;
- Giữ gìn, bảo quản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hỏng phải báo ngay cho người lập di chúc;
- Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.
Theo các quy định nói trên, vợ chồng bạn hoàn toàn có thể nhờ người khác hoặc tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc, những người này có nghĩa vụ phải giữ bí mật nội dung di chúc của vợ chồng bạn và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (như đã trình bày ở trên), bảo đảm an toàn cho đến lúc công bố di chúc.
Thạc sĩ – Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc – Hà Nội
Thư Viện Pháp Luật