Ủy ban mặt trận tổ quốc cấp xã có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở?

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm như thế nào? Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức ban giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ bao gồm bao nhiêu thành viên? Để trở thành thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thì cần đáp ứng điều kiện gì? Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 40 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có quy định về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

nhiệm trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn
...
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm sau đây:
a) Hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân;
b) Công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thông báo kết quả bầu và thành phần Ban Thanh tra nhân dân đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và Nhân dân ở địa phương;
c) Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết;
d) Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân;
đ) Động viên Nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
e) Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán, kế hoạch hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, do ngân sách nhà nước cấp xã bảo đảm.

Theo đó, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ có trách nhiệm: Hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư, công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân, hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm như thế nào? (Hình từ Internet)

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức ban giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ bao gồm bao nhiêu thành viên?

Điều 41 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có quy định về thành lập tổ chức giám sát đầu tư cộng đồng như sau:

Tổ chức Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất là 05 thành viên, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ; các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.

Như vậy, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ có ít nhất là 05 thành viên, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án.

Để trở thành thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thì cần đáp ứng điều kiện gì?

Điều 42 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có quy định về tiêu chuẩn thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng như sau:

Tiêu chuẩn thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, công tâm, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật hoặc kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực có liên quan đến chương trình, dự án đầu tư và tự nguyện tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Là công dân thường trú trên địa bàn và không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã; không có người thân là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn của chủ đầu tư, nhà thầu dự án hoặc đơn vị tư vấn, giám sát của nhà thầu, người trực tiếp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn cấp xã.

Căn cứ theo quy định hiện hành, để trở thành thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng thì cần phải đáp ứng các điều kiện được liệt kê trên.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có hiệu lực từ 01/7/2023.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào