Có được đòi quyền sử dụng đất đã tặng cho từ năm 1990?
Luật gia Trần Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
- Về yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã tặng, cho:
Trong thư chị cho biết, bố mẹ của chị trước đây đã làm “giấy tờ”, chuyển QSDĐ cho hai người em của chị. Tuy chị không nói cụ thể ở đây là “giấy tờ” nào (Giấy chứng nhận SQDĐ, loại giấy tờ khác thể hiện QSDĐ, hoặc chỉ là giấy viết tay về việc tặng cho), nhưng các quy định của pháp luật đất đai, khi người sử dụng đất có một trong các giấy tờ kể trên từ trước năm 1993, thì pháp luật đã công nhận QSDĐ cho hai người em của chị.
Chúng tôi viện dẫn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 99 và khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (kế thừa các quy định của pháp luật đất đai trước đây), để chị tham khảo, như sau:
“Nhà nước cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, … cho những trường hợp sau đây: c) Người được …, nhận tặng cho QSDĐ, …” (điểm c khoản 1 Điều 99).
“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, … và không phải nộp tiền sử dụng đất:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/ 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam DCCH, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền QSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho QSDĐ …;
g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ” (khoản 1 Điều 100).
Do vậy tới thời điểm này, bố chị không có quyền đòi lại đất đã tặng cho hai người em của chị.
- Về quyền thừa kế: Giả thiết, các em của chị trước khi chết không để lại di chúc, thì bố của chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản do các em của chị để lại. Như vậy, bố của chị cùng những người thừa kế khác (vợ và các con của hai người em của chị…) sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế.
Thư Viện Pháp Luật