Có thể ủy quyền ký hợp đồng thế chấp QSDĐ không?

Gia đình tôi đang làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình - tôi là chủ hộ) để vay vốn Ngân hàng. Ngân hàngcó yêu cầu tất cả thành viên đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình phải ký vào hồ sơ đăng ký thế chấp QSDĐ. Đề nghị luật sư tư vấn, trong giấy CNQSDĐ ghi tên chủ hộ là tôi, vậy tôi có thể đại diện các thành viên còn lại ký văn bản thế chấp được không? (Hoàng Ân - Vĩnh Phúc)

Luật gia Nguyễn Thị Thủy - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật có liên quan để anh (chị) tham khảo như sau:
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013: “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên” (Khoản 1, Điều 64).
Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của nghị định số 43/2014/NĐ-CP và nghị định số 44/2014/NĐ-CP: “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật” (khoản 5 Điều 14).
Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT Hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: “Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó đã được chứng nhận trên GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì người yêu cầu đăng ký nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm: d) Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực), trừ trường hợp người yêu cầu đăng ký xuất trình bản chính Văn bản ủy quyền thì chỉ cần nộp 01 bản sao để đối chiếu” (điểm d khoản 1 Điều 11).

Như vậy, gia đình anh (chị) có thể ủy quyền cho một  hoặc một số người đứng tên trong GCN QSDĐ đó ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng, nhưng phải có hợp đồng ủy quyền được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật, nếu không có hợp đồng ủy quyền thì buộc phải có đầy đủ chữ kí của tất cả thành viên đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình theo căn cứ tại khoản 5, Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào