Trường hợp truy cứu hình sự khi buôn bán hàng giả nhãn hiệu
Theo quy định khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29-2-2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định: "Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý) quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự: đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.
Theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 2 năm. Anh Trần Tuấn Hải đã bị xử lý vi phạm hành chính, nếu trong 2 năm, anh tiếp tục có hành vi vi phạm tương tự thì bị coi là tái phạm và bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi nêu trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bắt buộc phải có đề nghị xử lý xâm phạm của chủ sở hữu nhãn hiệu.
Thư Viện Pháp Luật