Nghĩa vụ trả nợ do vợ, chồng để lại
Theo quy định tại Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về trách nhiệm của vợ chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện thì "vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình".
Nếu người vợ của bạn đọc Đinh Văn Mão (xin được gọi là anh) vay tiền để chi tiêu riêng, không sử dụng vào sinh hoạt thiết yếu của gia đình và anh hoàn toàn không biết việc vay tiền đó thì về nguyên tắc, anh không có nghĩa vụ cùng vợ trả khoản nợ đó.
Trường hợp vợ anh bị khởi kiện ra tòa án, anh sẽ bị tòa án triệu tập với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan". Lúc này anh cần phải đưa ra các tình tiết, tài liệu để chứng minh rằng, trước khi chủ nợ tìm đến đòi, anh hoàn toàn không biết việc vợ anh vay tiền và vợ anh vay tiền chỉ để chi tiêu riêng, chứ không phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.
Theo quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự năm 2005, "Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Căn cứ quy định trên, trường hợp vợ anh qua đời, nếu anh có nghĩa vụ trả nợ thay cho vợ anh thì việc trả nợ đó chỉ trong phạm vi di sản do vợ anh để lại; nếu số tiền nợ lớn hơn số tài sản anh được thừa kế từ vợ anh thì anh chỉ phải thanh toán khoản nợ tương ứng với số tài sản được thừa kế.
Thư Viện Pháp Luật