Tranh chấp với người giúp việc, không nhất thiết phải hòa giải
Luật gia Phan Thùy Dung - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để anh chị tham khảo như sau:
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: "Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: “1. Hoà giải viên lao động. 2. Toà án nhân dân.” (Điều 200).
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở: a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; b) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động; đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” (Khoản 1 Điều 31).
Theo quy định của pháp luật viện dẫn trên, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, có một số tranh chấp luật quy định không nhất thiết phải qua thủ tục hòa giải, trong đó có tranh chấp giữa người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động. Vậy, chị có thể lựa chọn: gửi đơn đề nghị hòa giải viên lao động (Phòng LĐTBXH cấp quận, huyện nơi chị làm việc) tổ chức hòa giải, hoặc gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền (cấp huyện, nơi chị làm việc) mà không cần thực hiện thủ tục hòa giải.
Trong trường hợp hoà giải, nếu hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp (chị hoặc chủ sử dụng lao động) có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật