Bật ''đèn xi nhan'' không đủ lâu, có bị xử phạt?
Luật gia Nguyễn Thị Thúy An – Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc bật đèn tín hiệu báo trước cho xe đi cùng chiều khi người điều khiển phương tiện giao thông muốn chuyển hướng xe, chuyển làn, như sau:
“Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ” (Khoản 1 Điều 15 ).
"Sử dụng làn đường
Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn’’. (khoản 1 Điều 13)
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định khi chuyển làn, chuyển hướng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải bật tín hiệu báo trước - không quy định khoảng cách với xe phía sau, khoảng thời gian phải bật, tắt đèn tín hiệu khi báo hướng rẽ xin qua đường giao nhau hoặc vượt xe khác?
Theo chúng tôi, việc sử dụng đèn xi nhan xuất phát từ ý nghĩa, mục đích của việc xi nhan – báo hiệu cho người cùng tham gia giao thông. Việc xi nhan phải đủ thời gian cho người đang tham gia giao thông hiểu đúng hành vi chị chuẩn bị thực hiện (Chuẩn bị chuyển hướng, chuyển làn). Để người đang tham gia giao thông có phương án di chuyển hợp lý - đảm bảo cho việc di chuyển của người tham gia giao thông được an toàn.
Nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện vừa bật xi nhan đã rẽ ngay, không quan sát trước, sau, khiến những người di chuyển trên đường không kịp xử lý - dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nào về “thời gian tối thiểu bật đèn báo hiệu” xin chuyển hướng, chuyển làn đường. Nên CSGT không có căn cứ để xử phạt chị với lỗi bật đèn báo hiệu không đủ lâu. Nhưng thiết nghĩ, việc xi nhan thông báo cho những người tham gia giao thông có đủ thời gian đưa ra phương án điều chỉnh hướng đi phù hợp là việc làm hết sức cần thiết.
Thư Viện Pháp Luật