Xử lý việc đồng hồ đo nước sạch bị sai lệch
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Theo nội dung câu hỏi của bà Nguyễn Thị Hoa, trên thực tế có thể diễn ra một số trường hợp sau: Thứ nhất, việc thất thoát nước là có thật, nguyên nhân đồng hồ bị sai lệch do gia đình bà tự điều chỉnh; thứ hai, việc thất thoát nước là có thật, nguyên nhân đồng hồ bị sai lệch nhưng gia đình bà không điều chỉnh mà do một tác động khách quan nào đó; thứ ba, việc thất thoát nước là không có thật mà do chỉ số đồng hồ đo nước không chính xác. Tuy nhiên, trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến về trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai.
Trước hết, xin viện dẫn một số quy định của pháp luật liên quan: Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (Nghị định 117): "Trộm cắp nước là hành vi lấy nước trái phép không qua đồng hồ đo nước, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ và các thiết bị khác có liên quan đến đo đếm nước, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đồng hồ và các hành vi lấy nước gian lận khác". Điểm a khoản 2 Điều 45 Nghị định 117, quy định về việc ngừng dịch vụ cấp nước đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt như sau: "Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước".
Căn cứ các quy định trên, về trường hợp thứ nhất, việc Công ty Kinh doanh Nước sạch, ngay sau khi cho rằng đồng hồ đo lưu lượng nước của gia đình bà sai lệch, đã ngừng cấp nước là trái với quy định của pháp luật về trình tự thời gian. Gia đình bà có thể yêu cầu Công ty Kinh doanh Nước sạch cấp lại nước và bồi thường các thiệt hại do việc ngừng cấp nước đã gây ra. Tuy nhiên, gia đình bà phải bồi thường cho Công ty Kinh doanh Nước đối với các tổn thất do hành vi này gây ra. Ngoài ra, hành vi ăn cắp nước, nếu chưa đến mức bị truy tố, còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp thứ hai, gia đình bà có thể làm đơn khiếu nại gửi Công ty Kinh doanh Nước sạch, yêu cầu công ty làm rõ nguyên nhân đồng hồ bị sai lệch dẫn đến chỉ số đo không đúng với lượng nước đã tiêu thụ và hai bên có thể thỏa thuận số tiền gia đình bà phải truy thu. Nếu yêu cầu không được đáp ứng, gia đình bà có thể làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng, trước hết là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình bà hoặc khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Theo Báo Hà Nội Mới (ngày 14.05.2012)
Thư Viện Pháp Luật