Thân nhân của người bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong có được hưởng chế độ gì không?
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Tại Điều 39 - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, được hướng dẫn tại Điều 19 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22.12.2006 của Chính phủ quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau: Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ); bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Tại Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Tại khoản 3, Điều 107 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất cũng bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Như vậy, căn cứ vào các quy định nói trên, theo các thông tin mà bà cung cấp, anh trai bà bị tai nạn trong thời gian làm việc và tử vong tại chỗ, do đó, thân nhân của anh trai bà sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Đồng thời, trong trường hợp tai nạn lao động xảy ra không do lỗi của anh trai bà thì công ty nơi anh bà làm việc có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có), trường hợp tai nạn lao động xảy ra do lỗi của anh trai bà thì công ty phải trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Theo Báo Lao Động ngày 07.05.2013.
Thư Viện Pháp Luật