Trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Điểm a khoản 1 Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định: Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại mục 1 và mục 2 chương III của Luật BHXH và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức bảo hiểm xã hội.
Điều 117 Luật BHXH quy định về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản: 1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112 và Điều 113 của Luật BHXH, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động; 2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 112, 113 và 116 của Luật BHXH; 3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Căn cứ quy định trên, công ty có trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản cho bà trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan. Sau đó công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội để được quyết toán. Nếu bà vẫn chưa nhận chế độ thai sản thì bà có thể yêu cầu công ty để được giải quyết chế độ theo quy định.
Theo Báo Lao Động, ngày 01/11/2013
Thư Viện Pháp Luật