Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Khoản 3 Điều 37 và Điều 156 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người LĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng LĐ biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp LĐ nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Tại Điều 43 và Điều 62 Bộ luật Lao động quy định nghĩa vụ của người LĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau: 1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ; 2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng LĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người LĐ trong những ngày không báo trước; 3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng LĐ bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người LĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài. Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, theo các thông tin mà bà cung cấp, bà làm việc tại DN theo HĐLĐ không xác định thời hạn và không thuộc trường hợp không có quyền chấm dứt HĐLĐ, do đó, bà có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ và phải báo trước cho người sử dụng LĐ biết trước ít nhất 45 ngày. Trường hợp bà chấm dứt HĐLĐ không đúng theo thủ tục nói trên thì bà sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho Cty nửa tháng tiền lương trong HĐLĐ, đồng thời, phải bồi thường cho Cty một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bà trong những ngày không báo trước và hoàn trả chi phí đào tạo cho Cty theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Báo Lao Động, ngày 07/12/2013
Thư Viện Pháp Luật