Gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách
Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ), hết hạn HĐLĐ là một trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ. Khoản 3 Điều 155 BLLĐ quy định “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với LĐ nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng LĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng LĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Như vậy, pháp luật chỉ quy định người sử dụng LĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐ đối với lao động nữ vì lý do nghỉ thai sản, có nghĩa là trong trường hợp HĐLĐ vẫn đang có hiệu lực. Do đó, trong trường hợp HĐLĐ hết hạn, mà thời gian hết hạn HĐLĐ trùng với thời gian người LĐ nữ nghỉ thai sản, hai bên không thỏa thuận ký HĐLĐ mới thì HĐLĐ đó đương nhiên chấm dứt theo khoản 1 Điều 36 BLLĐ.
Tại khoản 6 Điều 192 BLLĐ: “Khi người LĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ mà hết hạn HĐLĐ thì được gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến hết nhiệm kỳ”. Đối chiếu với trường hợp của bà, HĐLĐ hết hạn vào ngày 22.8.2013, tuy nhiên nhiệm kỳ CĐ của bà tới năm 2014, do đó, HĐLĐ đã giao kết sẽ được gia hạn cho đến hết nhiệm kỳ cán bộ CĐ chuyên trách mà bà đảm nhiệm. Tuy nhiên, đây là việc gia hạn HĐLĐ cho đến thời hạn trên chứ không phải ký tiếp HĐLĐ mới. Việc gia hạn này không làm phát sinh thêm HĐLĐ mới mà chỉ bổ sung vào hợp đồng cũ về thời hạn hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 158 BLLĐ, bà sẽ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, trường hợp việc làm cũ không còn thì công ty có trách nhiệm bố trí cho bà làm công việc khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Theo Báo Lao Động, ngày 06/08/2013.
Thư Viện Pháp Luật