Thời gian nghỉ trưa có được tính vào giờ làm việc?

Công ty quy định, thời gian làm việc trong tuần (từ thứ hai đến thứ 6), buổi sáng từ 08h00 đến 12h00, chiều từ 14h00 đến 17h30. Thời gian nghỉ trưa (từ 12h00 đến 14h00) không tính vào giờ làm việc. Nếu tính theo cách này, thời gian của người lao động tại công ty thực tế dài tới 9,5 giờ (từ 08h00 đến 17h30). Đề nghị luật sư tư vấn, quy định trên của Công ty có trái luật không? (Ban đọc Nguyễn Văn Minh, Ninh Bình).

Thời gian nghỉ trưa có được tính vào giờ làm việc?

Điều 105 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:

Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Điều 109 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:

Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Như vậy, người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Tại Điều 63, 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hướng dẫn như sau:

Điều 63. Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Điều 64. Nghỉ trong giờ làm việc
1. Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động.
2. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
3. Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.
4. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

Như vậy, hiện nay pháp luật chỉ quy định thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc khi người lao động đó làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên.

Theo ông trình bày, thì công ty của ông chỉ làm việc buổi sáng từ 08h00 đến 12h00, chiều từ 14h00 đến 17h30 và làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 không được xem là làm việc theo ca. Do đó, việc công ty ông không tính thời gian nghỉ giữa giờ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Thời gian nghỉ giải lao (ăn trưa) không tính vào giờ làm việc cũng là đúng với quy định của BLLĐ, bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định về giới hạn thời giờ làm việc, không quy định thời điểm bắt đầu ca làm việc và kết thúc ca làm việc.

Thời gian nghỉ trưa có được tính vào giờ làm việc?

Thời gian nghỉ trưa có được tính vào giờ làm việc? (Hình từ Internet)

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thời giờ làm việc

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào