Trả sổ BHXH khi công ty giải thể?
Luật gia Vũ Thị Nhung - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích đãn một số quy định của pháp luật để chị tham khảo như sau:
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động" (khoản 3 Điều 47)
"Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán” (khoản 4 Điều 47)
Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 (BHXH) quy định:
Các hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội:
“Không cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật này” (khoản 2 Điều 135)
Khiếu nại về bảo hiểm xã hội:
“Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (khoản 1 Điều 130)
Như vậy, công ty chị có trách nhiệm hoàn trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ của người lao động quy định tại Điều 47 BLLĐ năm 2012.
Hành vi đó của công ty chị đã vi phạm pháp luật về thủ tục bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 135 luật BHXH năm 2006. Theo đó, chị có thể làm đơn khiếu nại công ty nơi chị làm việc để yêu cầu công ty phải có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lại sổ cho chị quy định tại khoản 1 Điều 130 luật BHXH năm 2006.
Thư Viện Pháp Luật