Đặt vòng tránh thai, được nghỉ việc không?

Tôi làm việc cho một công ty ở Bắc Ninh mới được 03 tháng. Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cũng mới chỉ được 03 tháng nên tôi chưa hiểu rõ về các quy định của pháp luật về các chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội. Đề nghị Luật sư tư vấn, tôi mới tham gia bảo hiểm thì khi tôi đi đặt vòng tránh thai có được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không? Nếu có thì thời gian nghỉ là bao lâu? (Nguyễn Thị Mai – Bắc Ninh)

Luật gia Lê Thị Hoàng - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi trích dẫn Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có liên quan để chị tham khảo, như sau:

- Điều kiện hưởng chế độ thai sản: “1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con” (khoản 1 Điều 31).

- Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai:“1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. 2. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”(Điều 37).

- Mức hưởng chế độ thai sản:
"1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày" (điểm a, c khoản 1 Điều 39).

Như vậy, khi tham gia bảo hiểm xã hội, lao động nữ đặt vòng tránh thai, hay thực hiện biện pháp triệt sản sẽ được nghỉ việc hưởng chể độ thai sản mà không cần điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp của chị, nếu chị  đặt vòng tránh thai sẽ được nghỉ tối đa 07 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần) tùy theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và chị sẽ được hưởng mức trợ cấp bằng 100% mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức hưởng một ngày bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào