Thử việc, có phải nộp văn bằng gốc?
Luật gia Nguyễn Mỹ Linh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) để anh (chị) tham khảo, như sau:
“Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động: 1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; 2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động” (Điều 20).
“Thời gian thử việc: Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; 2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; 3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác” (Điều 27).
Căn cứ theo quy đinh tại Điều 20 BLLĐ, người sử dụng lao động không được giữ văn bằng gốc của người lao động, cũng như không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền. Và thời gian thử việc nhiều nhất đối với người lao động là không quá 60 ngày, theo Điều 27 BLLĐ. Như vậy, yêu cầu của công ty anh (chị) đưa ra là không đúng với quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật