Hiệu lực pháp lý giấy vay nợ ''viết tay''

Tôi cho một người quen vay 100 triệu đồng, không có lãi suất. Việc cho vay và vay chỉ có giấy vay nợ "viết tay", hiện đã quá hạn trả nợ nhưng người vay vẫn không trả lại tiền cho tôi. Xin hỏi, trường hợp người này cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, với giấy vay nợ kể trên, tôi có thể khởi kiện không?


Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005: "hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản, đồng thời không quy định hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, chứng thực, do vậy, giấy "viết tay" về việc vay và cho vay số tiền 100 triệu đồng giữa ông Vũ Văn Thìn và người quen có thể được coi là một hợp đồng vay tài sản, nếu hợp đồng này đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hiệu lực của giao dịch dân sự (hợp đồng) theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự  năm 2005, như sau: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
 
Căn cứ Điều 427 Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự, nếu quá thời hạn quy định mà người vay không trả nợ, ngoài ra còn có thái độ trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thì ông có quyền khởi kiện người vay ra tòa án nhân dân cấp quận, huyện (nơi người vay cư trú) để được xem xét giải quyết với thời hiệu là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào