Chỉ kết hôn theo phong tục tập quán có được công nhận là vợ chồng?
Luật gia Trần Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 để chị tham khảo, như sau:
“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý" (khoản 1 Điều 9)
“Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với..., tài sản,… giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này” (khoản 1 Điều 14)
“1. Quan hệ tài sản,… của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.” (Điều 16)
Như vậy, việc tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán của địa phương không được pháp luật công nhận là căn cứ để xác lập quan hệ hôn nhân. Bởi vậy, nếu anh chị chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán mà không tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì anh chị không được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Quan hệ tài sản giữa anh chị được giải quyết theo Điều 16 kể trên. Cụ thể, việc phân chia tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật liên quan, tuy nhiên phải đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Thư Viện Pháp Luật