Vợ ở nước ngoài, ly hôn thế nào?
Luật gia Nguyễn Mỹ Linh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để anh tham khảo, như sau:
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (LHNGĐ) quy định:
"Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn” (khoản 1 Điều 51).
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” (khoản 1 Điều 56).
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con” (khoản 2 Điều 81).
Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi và bổ sung năm 2011 (BLTTDS):
“Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện” (khoản 3 Điều 33)
Như vậy, anh hoặc vợ anh đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, người trực tiếp nuôi con có thể do thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Trường hợp của anh, do vợ đang không có mặt ở Việt Nam, nên thẩm quyền giải quyết ly hôn của vụ việc này là của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh theo khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Thư Viện Pháp Luật