Ủy quyền ly hôn, có được không?
Luật gia Lê Thị Hoàng - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật có liên quan để anh tham khảo, như sau:
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định:
- Người đại diện: “1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền. 2. Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. 3. Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” (Điều 73).
- Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà:
“Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây: 1. Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt; 2. Nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên toà có người đại diện hợp pháp tham gia phiên toà; 3. Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 của Bộ luật này” (Điều 202).
Vì đây là việc ly hôn, nên theo quy định tại khoản 3 Điều 73 (Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004), anh không thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp anh không thể có mặt tại phiên tòa, anh có thể gửi đơn đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Tòa án sẽ xem xét trường hợp của anh và giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.
Thư Viện Pháp Luật