Người đồng tính sống chung, xử phạt như thế nào?
Luật gia Nguyễn Thị Hoa - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ) quy định:
“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” (Điều 3).
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8).
Căn cứ quy định nêu trên, cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật vẫn chưa thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa người đồng giới. Do vậy, anh sẽ không thể tiến hành đăng ký kết hôn với bạn trai đồng giới của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định của Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về quyền con người được hiểu: “Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm”, việc chung sống với người đồng giới chưa có văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh, nên không có bất kỳ chế tài xử phạt nào đối với trường hợp của anh. Tuy nhiên, nhìn chung, xã hội Việt Nam thời điểm này vẫn có sự phân biệt, kỳ thị với những người có quan hệ đồng tính.
Ở khía cạnh khác, anh và vợ anh đã kết hôn hợp pháp. Về mặt pháp lý, anh có “nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ; cùng chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” (Điều 19 Luật HN&GĐ), đồng thời vẫn phải đảm bảo tốt nhất nghĩa vụ của một người cha: “1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (Điều 69 Luật HN&GĐ).
Theo chúng tôi, để làm thay đổi quan điểm, nhận thức của cộng đồng xung quanh cần phải có thời gian. Vì vậy, những người trong cuộc (anh và bạn đồng giới) vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp lý đã được xác lập.
Thư Viện Pháp Luật