Đất thuộc sở hữu chung của gia đình có chia được không?

Bà tôi mất để lại 2 ha đất vườn và ruộng. Trước khi mất Bà có di chúc để lại cho 5 người con, nhưng không chia từng phần cho mỗi người (và không cho chuyển nhượng), bà muốn để chung và cho một người canh tác, lấy tiền thu hoạch lo chuyện thờ phụng và để anh em tụ họp về chơi. Khi bà tôi mất, các cậu dì của tôi không muốn để cho một người đứng tên trên GCN vì đây là quyền sở hữu chung của 5 người, vậy giấy tờ vẫn là tên của Bà được không? Nếu không thì phải làm sao? (Nguyễn Hoàng Việt, 135 Mạc Cửu, email: redsunday2004@ )

Trả lời của Luật sư Trần Hồng Phong, Văn phòng luật sư Phong & Các đồng nghiệp:

Giấy tờ đất mà vẫn giữ nguyên tên bà của bạn – một người đã qua đời, thì về mặt pháp lý xem như đó là khối tài sản “chưa chia”: do vậy việc phân chia sẽ giải quyết theo qui định về thừa kế.

Về nguyên tắc, nếu đồng lòng thì bốn người còn lại có thể uỷ quyền cho một người thay mặt làm thủ tục xin thừa hưởng quyền sử dụng đất theo luật thừa kế và đứng tên đại diện trên giấy tờ đất. Song song đó, năm người con có thể thỏa thuận với nhau ( bằng văn bản) về việc người đứng tên không được tự ý sang nhượng nếu không có sự đồng ý của những người khác (theo như ý nguyện của bà bạn).

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận như trên thì phải làm đơn trình bày kèm với bản di chúc gửi chính quyền nơi mảnh đất tọa lạc để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng người.

Nếu phương án giải quyết của địa phương vẫn không thỏa mãn được thì xem như đây là một vụ tranh chấp về di sản thừa kế, phải đưa ra tòa án giải quyết.

Mặt khác, có thể thấy di chúc của bà bạn thuộc loại di chúc “có điều kiện” và có một số điểm không phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành.

Chẳng hạn như việc cho đất nhưng lại không cho đứng tên, không cho chuyển nhượng … là đã hạn chế về quyền của người sử dụng đất. Những điểm này sẽ không có hiệu lực theo quy định pháp luật. Chúc cả gia đình bạn đồng lòng và đoàn kết với nhau để có thể thỏa thuận và giải quyết ổn thỏa.

TS Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào