Đã bị từ chối visa, vẫn có thể xin visa lại
Trả lời của ông Lâm Dũng, chuyên viên tư vấn về di trú (Công ty Tư vấn Di trú và Du học Uniworld):
Em Quốc Đại thân mến, Trong câu hỏi của em, em không nói rõ là vào năm 2003 em đã xin visa đi nước nào, theo diện gì, nội dung buổi phỏng vấn ra sao? Và viên chức Tổng LSQ đã nói với em là họ không bằng lòng về vấn đề gì trong hồ sơ của em? Vì thế, tôi không thể giúp cho em lời khuyên chính xác là em "nên" hoặc "không nên" xin phỏng vấn lại.
Tuy nhiên, tôi cũng có thể đưa ra vài ý kiến chung cho trường hợp của em như sau: Trong buổi phỏng vấn, thông thường thì Viên chức Tổng LSQ cũng đã có xem xét về hồ sơ trong trường hợp của đương đơn và cũng đã có cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định là "Cấp" hoặc "Không cấp" visa cho đương đơn.
Nếu đương đơn bị từ chối cấp visa thì đương đơn có thể nộp đơn xin phỏng vấn lại và thủ tục cần làm lại từ đầu (trong trường hợp nộp đơn lại, để Viên chức Tổng LSQ có thể xem xét trường hợp của mình một cách rõ ràng hơn thì đương đơn nên làm một thư giải trình lý do vì sao mình không đồng tình với quyết định trước đây của Viên chức Tổng LSQ).
- Đối với hồ sơ xin visa tạm thời (Du học, du lịch, công tác...) thì đương đơn không thể xin tái cứu xét mà phải nộp đơn xin phỏng vấn lại và hồ sơ cần phải làm lại từ đầu.
- Đối với hồ sơ xin đi định cư (Vợ, chồng, hôn thê, bảo lãnh đoàn tụ) thì đương đơn không cần nộp đơn xin phỏng vấn lại tại Tổng LSQ mà người bảo lãnh có thể làm đơn khiếu nại lên tòa án tại nơi cư trú ở nước ngoài để tòa án xem xét lại Quyết định của Tổng LSQ tại Việt Nam.
Thời gian để người bảo lãnh ở nước ngoài làm đơn khiếu nại lên tòa án là từ 60 đến 90 ngày tùy theo quốc gia mà đương đơn muốn xin đến định cư.
Sau khi từ chối cấp visa cho các trường hợp bảo lãnh đoàn tụ thì Tổng LSQ tại Việt Nam sẽ phải chuyển tất cả hồ sơ của trường hợp đó về Bộ di trú của nước sở tại cho nên khi tòa án tại nước ngoài xem xét lại trường hợp của đương đơn thì tòa án sẽ có đầy đủ tài liệu, thông tin trong hồ sơ.
Đối với trường hợp xin visa tạm thời, khi đương đơn bị từ chối visa và nếu đương đơn cảm thấy quyết định của Viên chức Tổng LSQ là không thỏa đáng thì đương đơn có thể làm lại hồ sơ và xin tái phỏng vấn.
Trong lần phỏng vấn sau, đương đơn nên chuẩn bị để giải trình lý do vì sao mình cảm thấy quyết định trước đây của Viên chức Tổng LSQ là không thỏa đáng. Nếu khi từ chối visa mà Viên chức Tổng LSQ đã có nêu rõ là họ không bằng lòng về vấn đề gì trong hồ sơ của mình và quyết định từ chối cấp visa của họ là chính đáng thì đương đơn không nên nộp lại hồ sơ xin tái phỏng vấn cho đến khi đương đơn có được những yếu tố mới để có thể làm thay đổi được quyết định của Viên chức Tổng LSQ.
Tổng LSQ các nước không có quy định là đương đơn được xin tái phỏng vấn bao nhiêu lần và cách nhau bao lâu cho nên một người xin visa có thể xin tái phỏng vấn nhiều lần trong một khoảng thời gian không giới hạn.
Tuy nhiên, để tránh bị tốn kém về các khoản lệ phí xin phỏng vấn, anh khuyên em nên xem xét kỹ về trường hợp của mình trước khi làm lại hồ sơ xin tái phỏng vấn.
Thông thường, trong những trường hợp xin phỏng vấn lại và nếu đương đơn có được những yếu tố mới chưa trình bày được hoặc không có trong buổi phỏng vấn trước kia và đương đơn đã có chuẩn bị lý giải được lý do vì sao mình xin phỏng vấn lại hoặc vì sao mình không đồng tình với quyết định trước đây của Viên chức Tổng LSQ thì đương đơn sẽ có thể được cấp visa ở lần Phỏng vấn sau.
Trường hợp của em, tuy đã bị từ chối visa 2 lần vào năm 2003 và nếu đến nay, sau hai năm, hoàn cảnh của em có thay đổi thì em có thể xin phỏng vấn lại và trình bày những yếu tố thay đổi đó để Viên chức Tổng LSQ xem xét. Nếu những thay đổi đó bổ sung được cho lý do mà em bị từ chối visa trước kia thì em cũng sẽ có nhiều cơ hội được cấp visa trong lần xin phỏng vấn sau này. Chúc em thành công!
V.A thực hiện Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ )
Thư Viện Pháp Luật