CMND còn thời hạn, không bắt buộc đổi sang thẻ căn cước
Luật gia Phan Thùy Dung - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 có liên quan để anh (chị) tham khảo, như sau:
Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân: “1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.2. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân” (Điều 19).
Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân: “1. Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;b) Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ” (khoàn 1, Điều 18).
Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân:“1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo” (Điều 21).
Như vậy, từ ngày 01/01/2016, Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân. Đây là giấy tờ tùy thân, cung cấp các thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu CMND cũ của anh (chị) đang sử dụng (CMND 9 số hoặc CMND 12 số) vẫn còn thời hạn sử dụng thì anh (chị) có thể tiếp tục sử dụng cho đến khi nào hết hạn mới phải làm thủ tục đổi sang thẻ Căn cước công dân. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Thư Viện Pháp Luật