Hòa giải khi một trong các bên vắng mặt tại Tòa
Luật gia Nguyễn Mỹ Linh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS) để anh (chị) tham khảo, như sau:
“Thành phần phiên hòa giải: Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự: Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hoà giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải và việc hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải” (khoản 3 Điều 184)
“Ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trong trường hợp thoả thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thoả thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải đồng ý bằng văn bản” (khoản 3 Điều 187)
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp anh (chị) vắng mặt tại buổi hòa giải, Tòa án vẫn sẽ tiến hành hòa giải nếu các đương sự còn lại đồng ý hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của anh (chị). Trường hợp các bên tại phiên hòa giải thỏa thuận được thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của anh (chị), nếu thỏa thuận đó có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của anh (chị) thì chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được anh (chị) đồng ý bằng văn bản.
Thư Viện Pháp Luật