Thế nào bị coi là phạm tội giết người?
Luật gia Nguyễn Thị Phương Anh - trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS), thì giết người bị coi là tội phạm là hành vi cố tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Như vậy:
Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết hoặc chấm dứt sự sống của người khác. Hành vi này được thể hiện bằng hành động, như: một người bằng hành động như đâm, chém, bắn,…để tước đoạt tính mạng, sự sống của người khác; hoặc cũng có thể dưới dạng không hành động như: cha mẹ bỏ đói trẻ sơ sinh dẫn đến đứa trẻ đó chết. Những hành vi không có khả năng tước đoạt tính mạng của người khác, thì không thể là hành vi khách quan của tội giết người.
Hành vi tước đoạt tính mạng người khác của tội giết người phải là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Như việc người mà pháp luật đã yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng không thực hiện, hoặc: trường hợp làm những điều pháp luật cấm, xâm phạm đến quyền được sống của một con người là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Vì vậy, trường hợp bác sỹ có trách nhiệm trị bệnh để cứu người, nhưng lại thực hiện đề nghị của bệnh nhân muốn chấm dứt sự sống để thoát khỏi sự đau đớn do bệnh tật hành hạ… bị coi là phạm tội giết người. Tuy nhiên, hành vi giúp bệnh nhân bằng các hỗ trợ, tạo điều kiện có tính vật chất như cung cấp thuốc độc cho bệnh nhân… thì không hành vi khách quan của tội giết người mà là hành vi khách quan của tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (quy định tại Điều 101 BLHS).
Hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình hoặc hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật bảo vệ, như: trong trường hợp một người tự sát, hoặc thi hành bản án tử hình… không thuộc hành vi khách quan của tội giết người.
Hành vi giết người đã xâm phạm quyền được sống, quyền được bảo vệ và tôn trọng về tính mạng.
Người bị coi là phạm tội giết người phải là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi trở lên), đã thực hiện hành vi khách quan tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác.
Tội giết người bắt buộc có hậu quả chết người, do đó tội phạm chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Người phạm tội chỉ phải nhận trách nhiệm vì hậu quả nguy hiểm cho xã hội do chính hành vi mình gây ra. Đồng thời, hành vi khách quan là nguyên nhân gây ra cái chết cho người khác.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Nếu người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vấn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả xẩy ra thì bị coi là có lỗi cố ý trực tiếp. Trường hợp người phạm tội nhận thức hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng của người khác nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xẩy ra, chấp nhận hậu quả để đạt được mục đích của mình thì bị coi là có lỗi cố ý gián tiếp.
Người phạm tội giết người có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp phạm tội có các tình tiết tăng nặng như: Giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em, giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình, để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thực hiện tội phạm một cách man rợ; thuê giết người hoặc giết người thuê, có tính chất côn đồ, có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, vì động cơ đê hèn…, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thư Viện Pháp Luật