Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng
Luật gia Bùi Hương Lan – Công ty TNHH Luật Everest trả lời:
Khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại gây thương tật cho người bị xâm hại từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
Hành vi của người phạm tội là hành vi chống trả lại sự xâm hại đến sức khỏe, tài sản, tính mạng… của họ. Có thể họ bị đe dọa giết, đánh, hiếp dâm, cướp… và phải phòng vệ để bảo vệ bản thân không bị người khác xâm hại, nếu không phòng vệ thì rất có thể người phạm tội sẽ trở thành nạn nhân. Nhưng phòng vệ lại vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Hành vi phòng vệ chính đáng được thực hiện không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà có thể bằng cách tích cực, chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại. Người phạm tội khi phòng vệ hoàn toàn có thể ý thức được điều này.
Hành động phòng vệ chính đáng được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên chỉ được bảo vệ khi nằm trong mức giới hạn chính đáng, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và gây ra hậu quả cho người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật hình sự lấy kết quả giám định tỷ lệ thương tật của người bị hại làm căn cứ để định khung hình phạt đối với tội phạm này. Nếu tỷ lệ thương tật được xác định là từ 33% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt cảnh cáo cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Thư Viện Pháp Luật