Theo dõi người khác ngoại tình để tống tiền phạm tội gì?

Mặc dù đã có gia đình nhưng tôi vẫn có quan hệ tình cảm lén lút với người đàn ông khác kém tôi 2 tuổi. Biết được điều này, một người đàn ông giả danh là thám tử đã gặp tôi và ép buộc tội phải đưa cho ông ta 50 triệu đồng, nếu không sẽ cho gia đình và người thân của tôi biết việc này. Tôi không mang đủ tiền trên người nên đưa trước cho ông ta 15 triệu, số tiền còn lại tôi sẽ đưa sau. Đề nghị Luật sư tư vấn người đó làm như vậy có phải là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty luật TNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS) để chị tham khảo như sau:

Điều 139 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” (khoản 1).

Điều 133 quy định về Tội cưỡng đoạt tài sản, như sau: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm” (khoản 1).

Như vậy, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Theo đó, hành vi lừa dối và chiếm đoạt tài sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa đã đưa tài sản của mình cho người phạm tội. 

Mặc dù người đàn ông nói trên đã có hành vi lừa dối chị (tự nhận mình là thám tử) để buộc chị phải đưa tiền cho mình. Tuy nhiên, hành vi lừa dối này không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở đây, cần phải xét đến yếu tố tự nguyện. Bởi lẽ chị đưa tiền cho hắn là vì bị “ép buộc” chứ không phải vì “bị lừa”. 

Theo BLHS, Tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, tội phạm có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần người khác. Đối với hành vi uy hiếp tinh thần người khác, đây là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín…để thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, lợi dụng việc biết được chị ngoại tình, người đàn ông này đã đe dọa chị phải đưa cho hắn 50 triệu đồng nếu không sẽ thông báo cho gia đình và người thân của chị biết. Như vậy, hắn đã có hành vi uy hiếp tinh thần của chị, và vì bị uy hiếp chị mới đưa tiền cho hắn. Theo đó, người đàn ông này đã phạm Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm sở hữu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào