Năm cuối trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc?

Xin đề nghị Trung tâm Tư vấn pháp luật giải đáp: 1, Nghe nói, pháp luật quy định năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu người lao động (NLĐ) được rút ngắn thời gian làm việc 1 tiếng mà vẫn hưởng nguyên lương ? 2, NLĐ đang hưởng lương hưu, sau đó ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Trường cao đẳng, nay đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55) nhưng mới có 16 năm đóng BHXH bắt buộc thì có được hưởng trợ cấp thôi việc không ? Mức hưởng ? Bạn Nguyễn Thị Huệ – Trường cao đẳng Điện … Hà Nội và bạn đọc tại Quảng Ninh có số điện thoại 01235…333 hỏi.

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:

Thứ nhất: Pháp luật chỉ có quy định đối với NLĐ cao tuổi thì trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, NLĐ được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (căn cứ khoản 3, Điều 166, Bộ luật Lao động 2012).

Căn cứ khoản 1, 3 Điều 166 - BLLĐ: Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Như vậy, chỉ có NLĐ cao tuổi mới được rút ngắn thời gian làm việc bình thường  trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Còn NLĐ chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo Điều 187 – BLLĐ thì năm cuối trước khi nghỉ hưu pháp luật không có quy định được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường. Tuy nhiên, tùy thuộc quy định tại mỗi đơn vị, doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể, pháp luật khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

Thứ hai: NLĐ đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục tham gia làm việc theo HĐLĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Căn cứ khoản 3, Điều 186-BLLĐ: Đối với NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền cho NLĐ tương đương với mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Trong trường hợp này, khi chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật, NLĐ vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc. Căn cứ khoản 2, 3, Điều 48-BLLĐ quy định:

(1) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc.

(2) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.

 

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh – Điện thoại 0333.829961

Đỗ Văn Khánh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào