Quy định về hưởng và bảo lưu thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:
Thứ nhất, về cộng dồn thời gian tham gia BHTN
Trước hết phải khẳng định được thời gian nào là có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), và ngược lại thời gian có tham gia BHXH và BHTN.
Theo quy định tại điểm a, b, khoản 1, Điều 2 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN thì người lao động (NLĐ) tham gia BHTN là công dân Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng hoặc HĐLĐ không xác định thời hạn với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Như vậy, HĐLĐ của bạn tại công ty A là 9 tháng thì không thuộc đối tượng phải áp dụng BHTN, nên thời gian này không được tính là thời gian có tham gia BHTN.
Tại điểm a, b, c, khoản 1, Điều 43, Luật Việc làm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 có quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là: (a) HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;(b) HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; (c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Đồng thời tại khoản 1, Điều 45, Luật Việc làm có quy định: Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóngBHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóngBHTN cho đến khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, theo các quy định trên thì HĐLĐ của bạn tại công ty B là 24 tháng (tham gia BHTN được 17 tháng) và HĐLĐ tại công ty C là 6 tháng (tham gia BHTN được 6 tháng) được cộng dồn thời gian đã tham gia BHTN mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổng là 23 tháng và thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ hai, về trợ cấp thất một lần và bảo lưu thời gian đóng BHTN.
Trước đây, theo quy định tại khoản 7, Điều 3, Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH, ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN có quy định: Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại của người thất nghiệp đó.
Từ khi Luật Việc làm 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 thìcác quy định về BHTN của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 hết hiệu lực.
Tại điểm b, c, khoản 3 và khoản 4, Điều 53, Luật Việc làm có quy định:
(3) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây: (b) Tìm được việc làm; (c)Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
(4) Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN.
Như vậy, trường hợp của bạn nếu xin được việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ khi có việc làm; bạn không được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp; bạn được bảo lưu thời gian đóngBHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện.
Giả sử: Trường hợp của bạn có 23 tháng tham gia BHTN, đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng. Bạn đã hưởng được 01 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp (tương ứng với 12 tháng đã đóngBHTN), sau đó bạn có được việc làm theo HĐLĐ, thì bạn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa, đồng thời được bảo lưu thời gian đóng BHTN là: 23 tháng – 12 tháng = 13 tháng. (Theo quy định điểm d, khoản 2, Điều 9, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động TBXH Hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN)./.
Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh
Điện thoại 0333.829961
Đỗ Văn Khánh
Thư Viện Pháp Luật