Chế độ tử tuất khi bị tai nạn lao động?

Ngày 10/3/2016 trong khi tham gia giao thông bằng xe mô tô trên đường đi làm về từ công ty về nhà, bạn tôi bị tai nạn giao thông do trơn trượt tự ngã, đã được đưa đi cấp cứu nhưng do bị chấn thương quá nặng không qua khỏi, bạn tôi đã mất vào ngày 20/3/2016. Bạn tôi sinh năm 1978 đã làm liên tục theo hợp đồng không xác định thời hạn ở công ty được 12 năm 3 tháng có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 01/2004, có vợ sinh năm 1988 làm nông nghiệp và 2 con, con thứ nhất 8 tuổi, con thứ hai 3 tuổi. Xin hỏi, về chế độ tử tuất thì gia đình thân nhân được hưởng những chế độ gì? Công ty hay cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả? Xin được cảm ơn! Bạn đọc có hòm thư [email protected] hỏi.

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn vệ sinh lao động có ghi: Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

Do vậy trường hợp theo thư bạn hỏi được công nhận là tai nạn lao động chết người do lỗi của người lao động (NLĐ). Thân nhân sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp từ công ty và cơ quan bảo hiểm như sau:

* Trách nhiệm của công ty:

 Căn cứ theo Điều 144 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), cụ thể là:

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia bảo hiểm y tế.

 2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị TNLĐ, BNNphải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

 3. Bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ, BNN theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Tại điểm b, khoản 3 và khoản 4, Điều 145 BLLĐ quy định về quyền của NLĐ bị TNLĐ, BNN là:

 " Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động".

"Trường hợp do lỗi của NLĐ thì NLĐ cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này".

Như vậy, trong trường hợp này (lỗi của NLĐ), thì NSDLĐ phải trả ít nhất 12 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) (30 tháng TL x 40% = 12 tháng TL) cho thân nhân NLĐ, cùng với thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu, điều trị và trả đủ tiền lương choNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị tai nạn đến khi chết.

Theo quy định tại khoản 6, Điều 36 BLLĐ quy định trường hợp NLĐ bị chết thì được coi là đương nhiên chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật. Căn cứ Điều 48 BLLĐ về trợ cấp thôi việc, thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho thân nhân NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc), trong trường hợp này thân nhân NLĐ còn được hưởng là (12 năm 3 tháng – 8 năm 3 tháng) x 0,5 tháng TL/năm = 2 tháng tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ chết. 

* Đối với cơ quan bảo hiểm:

Căn cứ Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về trợ cấp một lần khi chết do TNLĐ, BNN: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, BNN hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ, BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Mức hiện tại là 1.150.000đ x 36 tháng = 41.400.000đ.

Đồng thời, theo Điều 66 Luật này, thì thân nhân của NLĐ lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người này chết, mức hiện tại là 1.150.000đ x 10 tháng = 11.500.000đ.

Căn cứ khoản 1, Điều 67 Luật BHXH 2014 quy định các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng khi NLĐ chết khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:(a) Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần;(b) Đang hưởng lương hưu;(c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Như vây, trường hợp theo thư bạn hỏi NLĐ chết do tai nạn lao động, nên thân nhân NLĐ đã chết có 2 con nhỏ chưa đủ 18 tuổi thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (theo điểm a, khoản 2, Điều 67 Luật BHXH 2014); người vợ sinh năm 1988 (trong độ tuổi lao động) nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở (hiện tại 1.150.000đ x 50% = 575.000đ) cho đến khi con đủ 18 tuổi, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng NLĐ này chết (căn cứ Điều 68 Luật BHXH 2014).

Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện an toàn lao động Công đoàn Quảng Ninh – Điện thoại 0333.829961

Đỗ Văn Khánh

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tai nạn lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào