Anh trai có được thừa kế theo pháp luật của em?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS), người có tài sản chết mà không để lại di chúc thì thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật. Điểm a, điểm b Ðiều 676 quy định những người thừa kế theo pháp luật theo các thứ tự sau: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại ... Khoản 3 Điều 676 BLDS quy định những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Khi em trai bạn chết, chỉ có người vợ là thuộc hàng thừa kế thứ nhất, do đó người vợ của em bạn là người thừa kế hợp pháp duy nhất đối với di sản của em trai bạn để lại. Trường hợp này, người thừa kế chỉ được thừa kế di sản là tài sản riêng của người để lại di sản. Bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai, nên trong trường hợp này vẫn có người ở hàng thừa kế thứ nhất còn sống nên bạn không được hưởng thừa kế của em trai bạn.
Về nguyên tắc, đối với tài sản là nhà, đất như bạn nói thì chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản phải là người được phép sở hữu, sử dụng tài sản đó và phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan có thẩm quyền. Pháp luật không thừa nhận quan hệ nhờ người khác đứng tên trên giấy tờ nhà đất. Nếu bạn có chứng cứ chứng minh rằng bạn có chuyển tiền, nhờ em trai bạn thực hiện giao dịch mua nhà, đất là nhằm che đậy giao dịch mua nhà, đất thực sự của bạn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết tuyên giao dịch đó vô hiệu. Khi đó, người thừa kế tài sản của em trai bạn có thể phải thực hiện nghĩa vụ trao trả lại tài sản cho bạn đối với hậu quả của giao dịch dân sự được xác lập vô hiệu.
Luật sư Võ Công Hạnh
(Công ty Luật hợp danh FDVN; 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, Website: www.fdvn.vn)
Báo Tuổi trẻ (24h) ngày 09/7/2012
Thư Viện Pháp Luật