Người học nghề gây thiệt hại, ai bồi thường?

Tôi năm nay 20 tuổi và hiện đang học nghề tại một tiệm sửa chữa xe mô tô do ông H làm chủ. Cách đây mấy ngày tôi được giao sửa một chiếc xe của khách hàng, sau khi sửa xong thấy khách chưa đến lấy xe nên tôi tranh thủ lấy xe của khách chạy đi công việc cá nhân. Do bất cẩn, tôi điều khiển xe tông vào ông N cũng đang điều khiển xe máy làm cả hai xe đều bị hư hỏng, về người thì không bị thiệt hại gì? Sau đó khách hàng sửa xe và cả ông N đều yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại. Xin hỏi họ yêu cầu như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không? (Nguyễn Hữu Long, Đà Nẵng)

Trả lời: Điều 622 BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật” và Khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: “Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Xe mô tô là phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ (Khoản 1 Điều 623 BLDS 2005).

Căn cứ vào các quy định trên, thì quyền yêu cầu bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hư hỏng của chiếc xe khách hàng và xe của ông N như sau:

Đối với thiệt hại gây ra cho xe của ông N - người bị bạn tông vào, do bạn tự ý lấy xe của khách đi mà không được sự đồng ý của chủ tiệm và gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại gây ra không phải khi đang thực hiện công việc được chủ giao mà hoàn toàn do lỗi của bạn vì bạn đã chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó trái pháp luật. Do vậy, ông N có quyền yêu cầu một mình bạn phải bồi thường thiệt hại cho ông N.

Đối với thiệt hại gây ra chiếc xe máy do khách hàng giao cho tiệm ông H sửa chữa, khách hàng chỉ có quyền yêu cầu ông H có trách nhiệm bồi  thường chứ không phải yêu cầu bạn bồi thường. Bởi vì ông H với tư cách là chủ tiệm có nghĩa vụ trông giữ, bảo quản khi thực hiện việc nhận sửa xe. Bạn đang học nghề tại tiệm ông H, dù bạn là người trực tiếp gây hư hỏng chiếc xe này của khách nhưng ông H phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu Ông H có yêu cầu thì bạn phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông H một khoản tiền theo quy định vì trong trường hợp này bạn đã có lỗi tự ý lấy xe đi và bất cẩn gây tai nạn.

Ls Phạm Phùng Trọng Nghĩa

ww.fdvn.vn

Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ 24h Miền trung ngày 30/10/2012.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người học

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào